
Dự án được Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ không hoàn lại 3,6 triệu CHF (trên 110 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA, nhằm hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn 2024-2027. Dự án ST4SD hướng đến mục tiêu xây dựng ngành du lịch bền vững, thúc đẩy sinh kế mới, phát triển kinh tế địa phương.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, ngành du lịch TPHCM vui mừng khi được triển khai chương trình nhằm mang lại một lực lượng lao động có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.

Chương trình đào tạo sẽ diễn ra từ năm 2025 đến 2027, với lớp đầu tiên dự kiến khai giảng vào tháng 7. Đối tượng tham gia bao gồm: công chức quản lý nhà nước về du lịch, nhân viên và quản lý các cấp tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TPHCM... Các học viên tham gia cần có hợp đồng lao động và được cơ sở lưu trú đề cử.
Nội dung đào tạo gồm: Cấp độ căn bản cung cấp nền tảng về giao tiếp, vệ sinh, vận hành bền vững và dịch vụ khách hàng. Cấp độ trung cấp dành cho quản lý cấp trung và chủ doanh nghiệp nhỏ, tập trung vào kiến thức và kỹ năng vận hành bền vững bộ phận F&B (bộ phận nhà hàng và quầy uống), buồng phòng, nghi thức khách sạn, nhận thức văn hóa. Cấp độ nâng cao, hướng đến các nhà quản lý và lãnh đạo tương lai, chuyên sâu về dịch vụ khách hàng xuất sắc, đào tạo con người, lãnh đạo bền vững và giao tiếp quản lý…

Trước tiên, các khóa học đầu tiên sẽ được học bổng do dự án ST4SD tài trợ.
Theo ông Olivier Messmer, Trưởng nhóm Dự án ST4SD, chương trình là sáng kiến đóng góp từ Chính phủ Thụy Sĩ cho ngành du lịch Việt Nam. Với các kinh nghiệm và kiến thức tích lũy qua nhiều thế kỷ, các cơ sở đào tạo của Thụy Sĩ luôn đứng đầu về chất lượng nhân sự khách sạn du lịch.
Số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, năm 2024, ngành du lịch TPHCM ghi nhận kết quả hết sức khả quan, đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so với năm 2023. Lượng khách nội địa đạt 38 triệu lượt, tăng 8,6%. Tổng thu từ du lịch đạt 190.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước.