Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: Chú trọng an toàn, hiệu quả

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: Chú trọng an toàn, hiệu quả

Sau khi cả nước tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đạt hiệu quả cao, góp phần phòng chống dịch và phục vụ việc mở cửa lại trường học, Bộ Y tế tiếp tục có kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Với đặc thù đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 tới đây nhỏ tuổi hơn nên công tác chuẩn bị được thực hiện rất thận trọng với yêu cầu an toàn được đặt lên hàng đầu.

 

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về việc mua 21,9 triệu liều vaccine Covid-19 của Hãng Pfizer dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả. Trước yêu cầu trên của Chính phủ, Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục mua sắm nhằm sớm ký hợp đồng mua vaccine Covid-19 với Hãng Pfizer. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng rất thận trọng đánh giá toàn diện, khoa học và khách quan đối với vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. 
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi. Cùng với đó, trên thế giới đã có 44 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó có đến 75% dùng vaccine Pfizer. “Khi có vaccine này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Tuy việc tiêm vaccine Covid-19 không phải bắt buộc nhưng ngành Y tế khuyến khích tất cả người dân tiêm cho trẻ vì thực tế có khoảng 80% trường hợp tử vong do mắc Covid-19 thời gian qua là do không tiêm vaccine, hoặc tiêm không đủ mũi. 
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết, dự kiến trẻ từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine Covid-19 tại những điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ em lớn hơn vừa qua. Những trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường, những trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế; đối với trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng. “Chúng tôi sẽ tập huấn cho cán bộ y tế ở các tuyến rất chi tiết, cụ thể về các phản ứng sau tiêm, cũng như theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm”, bà Dương Thị Hồng nêu rõ.
Dưới góc độ chuyên gia y tế, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM, cho rằng, trước đây WHO không ủng hộ tiêm chủng cho trẻ em nhưng đến ngày 21-1, WHO mới bắt đầu ủng hộ tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên vì qua các kết quả nghiên cứu đều cho thấy tiêm vaccine cho trẻ em khá an toàn. “Việc tiêm cho trẻ em vẫn có lợi, đặc biệt khi trẻ có nhu cầu học tập, sinh hoạt. Trẻ đi học mà không được tiêm nếu mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác; đồng thời khi trẻ chưa tiêm chủng thì các hoạt động dã ngoại, vui chơi cũng phải hạn chế một phần. Do vậy, việc tiêm cho trẻ em cần được ủng hộ”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh và chỉ rõ, qua các kết quả nghiên cứu, nhiều chuyên gia của WHO nhận định tiêm vaccine không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Đồng quan điểm, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, cho biết, nhiều cuộc thử nghiệm vaccine đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone nên ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. Tuy nhiên các bậc phụ huynh, người giám hộ cần lưu ý luôn ở bên cạnh trẻ sau khi tiêm vaccine trong vòng 24 giờ. Không để ăn uống các chất kích thích và vận động mạnh ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine. Trước khi đi tiêm, động viên trẻ tại nhà, giải thích cho trẻ lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn trẻ tự theo dõi sức khỏe bản thân. “Sau tiêm, phụ huynh cần chủ động theo dõi và chia sẻ với trẻ về cảm nhận cơ thể, thường xuyên đo thân nhiệt, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Mục đích là theo dõi sát sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi, nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục… cần đưa đi khám ngay và không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau…”, TS Phạm Quang Thái khuyến cáo. 

Thống kê mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) cho thấy dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỷ học sinh, sinh viên tại ít nhất 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện vẫn có gần 30 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học. Thực tế này cũng ảnh hưởng tới hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học.

Các nghiên cứu của UNESCO và UNICEF chỉ rõ trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao. Hơn 100 triệu trẻ em sẽ không đạt được trình độ đọc hiểu thông thạo tối thiểu do tác động của việc đóng cửa trường học. Khoảng 24 triệu trẻ em và thanh niên có nguy cơ bỏ học. Việc đóng cửa trường học cũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ quan trọng về bảo vệ, dinh dưỡng, sức khỏe, nhất là ở các nước chậm phát triển, trường học là nơi cung cấp bữa ăn và dịch vụ y tế thiết yếu cho trẻ em. Ngoài tình trạng hổng kiến thức, trường học đóng cửa kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Không chỉ tích cực triển khai các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi nhằm tạo điều kiện cho các em trở lại trường, hiện nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Tại châu Á, các thành phố ở Nhật Bản tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi trong bối cảnh ca nhiễm tăng đột biến vì biến thể Omicron, bắt đầu từ ngày 8-2. Một số thành phố lên kế hoạch tiêm chủng đại trà tại cơ sở y tế, bên cạnh bệnh viện lớn.

Thành phố Fukushima hợp tác với 5 địa phương lân cận để tiêm chủng hàng loạt. Giới chức dự kiến có khoảng 19.500 em tham gia. Ban đầu, các địa phương dự kiến tổ chức đợt tiêm chủng riêng dựa trên tình hình thực tế. Song do khó khăn về nguồn lực, họ quyết định tiêm vaccine hàng loạt. Nhật Bản ngày 21-1 phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Đây là loại vaccine đầu tiên được phê duyệt cho nhóm tuổi này với khoảng 8 triệu trẻ em đủ điều kiện tiêm. Phường Koto của Tokyo có khoảng 30.000 trẻ được tiêm vaccine tại 4 địa điểm ngày cuối tuần. Ngoài ra, trẻ cũng có thể chủng ngừa ở 60 phòng khám nhi khoa.

Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore (HSA) cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi tại nước này. Tính đến ngày 31-12-2021, chỉ 6 trường hợp có phản ứng phụ, chiếm tỷ lệ 0,03% trong tổng số 20.327 liều vaccine đã được tiêm. HSA nhận được báo cáo về một số trường hợp trẻ có phản ứng phụ như phát ban, chóng mặt, sốt và khó thở nhưng không nghiêm trọng. Một số quốc gia châu Á như Indonesia, Malaysia, Philippines… cũng ráo riết chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ em 5 -11 tuổi. 

Tại Bắc Mỹ, hơn 10 triệu trẻ em ở Canada và Mỹ đã được tiêm chủng. Giới chức nhận rất ít báo cáo về tình trạng xảy ra phản ứng phụ. Các phản ứng nhìn chung nhẹ nhàng và lành tính. Nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm chủng thấp hơn so với mắc Covid-19. Vaccine cũng an toàn với trẻ bị dị ứng thực phẩm. Trẻ có tiền sử dị ứng các loại thức ăn, thuốc uống, nọc côn trùng hoặc dị ứng thời tiết vẫn có thể tiêm chủng mà không đòi hỏi bất cứ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào.

Tại châu Âu, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi từ giữa tháng 12-2021. Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Hungary nằm trong số những quốc gia có quan điểm cởi mở trong việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ, khi đa số các bậc phụ huynh mong muốn con em mình được bảo vệ tối đa trước đại dịch. Đan Mạch và một số vùng thuộc nước Áo thậm chí đã triển khai tiêm cho trẻ nhỏ từ tháng 11-2021 với nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Ở Nhật Bản, giới chức lưu ý phân biệt rạch ròi vaccine dành cho người lớn và trẻ em. Vaccine cho trẻ 5-11 tuổi được sử dụng với liều lượng thấp hơn, thời gian bảo quản và rã đông cũng khác với loại sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Lọ vaccine dành cho trẻ em tại Nhật Bản có nắp màu cam, khác với nắp màu tím dành cho người lớn.

Theo hướng dẫn từ hãng dược Pfizer, trẻ 5-11 tuổi sử dụng vaccine với liều 10 microgam, bằng 1/3 so với người lớn và thanh thiếu niên. Liều thứ hai tiêm ít nhất 8 tuần sau liều đầu tiên. Các nhà khoa học nhận định trẻ em vẫn có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ dù liêm vaccine liều thấp. Trên thực tế, liều lượng này thậm chí phù hợp với cả người lớn, theo tiến sĩ Robert Frenck, chỉ đạo thử nghiệm vaccine tại Bệnh viện Nhi Cincinnati. Điều này tương đồng với nhận định trước đó, rằng lượng vaccine nhỏ cũng có thể tác dụng cao ở người nặng cân hơn.

Trước đó, ngày 23-10-2021, Pfizer công bố kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine của hãng hiệu quả hơn 90% ở trẻ 5-11 tuổi. Theo tài liệu đăng trên trang web của Cục An toàn dược phẩm Mỹ (FDA), vaccine ngăn ngừa các ca Covid-19 có triệu chứng (ít nhất 7 ngày sau liều thứ hai) ở những tình nguyện viên chưa từng nhiễm virus, hiệu quả là 90,7%. Liều lượng vaccine dựa trên độ tuổi và hệ thống miễn dịch, không phụ thuộc vào cân nặng. Vì vậy, trẻ quá cân hoặc thấp còi hơn so với cân nặng trung bình vẫn có thể sử dụng vaccine bình thường.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bắt đầu xem xét các đề nghị sử dụng liều vaccine tăng cường Comirnaty (vaccine Covid-19 của hãng BioNTech/Pfizer) cho thanh thiếu niên 12-15 tuổi. Ủy ban Thuốc sử dụng cho người (CHMP) của EMA sẽ tiến hành đánh giá nhanh dữ liệu của vaccine Comirnaty, bao gồm cả kết quả bằng chứng thực tế từ Israel. Comirnaty là một loại vaccine Covid-19 được bào chế theo công nghệ mRNA. Hiện EMA đang đánh giá yêu cầu sử dụng liều vaccine tăng cường cho thanh thiếu niên 16-17 tuổi.

Tin cùng chuyên mục