
Sáng 25-8, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam đã diễn ra lễ truy điệu đồng chí Võ Thị Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - người có nụ cười mang biểu tượng chiến thắng trước quân thù.
Dù cơn mưa nặng hạt bất ngờ đổ xuống từ rất sớm, nhưng rất nhiều người là đồng chí, đồng đội với đồng chí Võ Thị Thắng và người dân ở khắp các địa phương đã có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam để dự lễ truy điệu và tiễn đưa người con gái mảnh đất “Long An trung dũng kiên cường” về nơi an nghỉ cuối cùng (ảnh). Cô Năm Hà nghẹn lời nói: “Chị Thắng đối với chúng tôi dù trong chiến tranh ác liệt, tù đày gian khổ đến lúc hòa bình, đủ đầy vẫn luôn chan hòa tình cảm, nghĩa tình, gắn bó hết mình. Mất chị, chị em chúng tôi như mất đi chỗ dựa tinh thần không gì bù đắp được…”.

Trong bài điếu văn đọc trước linh cữu đồng chí Võ Thị Thắng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, Trưởng ban tổ chức lễ tang, xúc động nói: “Đồng chí Võ Thị Thắng cũng như nhiều chiến sĩ cộng sản khác đã coi tù đày, gian khó là môi trường, là trường học lớn để rèn luyện, thử thách phẩm giá, ý chí, lòng trung kiên và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, là nơi tập dợt của các hình thức, phương thức, khẩu hiệu đấu tranh chính trị với kẻ thù. Trong nhà lao, đồng chí đã cùng các chiến sĩ yêu nước cách mạng chan mồ hôi, máu và nước mắt, cùng sẻ chia gian lao, khổ cực kiên trung giữ vững khí tiết, phẩm giá, chí khí cách mạng của mình cho đến lúc ra tù vẫn ngẩng cao đầu với tư thế của người chiến thắng. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng chia tay này, chúng ta mãi không quên dáng đứng, nụ cười và câu nói của đồng chí trước tòa án của kẻ thù cách nay hơn 47 năm khi nghe tòa án tuyên đọc bản án 20 năm tù khổ sai: “Liệu chính quyền của các ông còn tồn tại được bao lâu mà kết án tôi đến 20 năm tù?”. Võ Thị Thắng, người con gái đất Long An với “Nụ cười chiến thắng”, “Nụ cười Võ Thị Thắng” đã trở thành một trong những biểu tượng cao đẹp cho thế hệ anh hùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước…”.
Chứng kiến trong giờ phút đầy cảm động này, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi thấy di ảnh - tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng” của Võ Thị Thắng trước quân thù, cùng những vòng hoa và dòng người lặng lẽ từ nhà tang lễ đi ra. “Chị đi rồi nhưng nụ cười chiến thắng của chị vẫn còn mãi, chị Thắng ơi…” - một đồng đội nữ khẽ gọi khi linh cữu đồng chí Võ Thị Thắng được đưa đi ngang qua.
Đúng 9 giờ 20, linh cữu đồng chí Võ Thị Thắng đã được đưa về đến quê nhà ở ấp Rạch Rích, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nhiều người dân đã đứng hai bên đường từ thị trấn Bến Lức về xã Tân Bửu đón chị - người con của vùng đất anh hùng trở về với quê hương, xóm làng. Lễ an táng đồng chí Võ Thị Thắng được tổ chức trang trọng, đầy tình yêu thương của bà con thân tộc, những người quý mến dành cho chị - “Nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng.
HOÀI NAM
Chút kỷ niệm với chị Võ Thị Thắng
Lạy trời cho má đừng đi…
Cho đến nay, hẳn đã có hàng trăm bài báo trong và ngoài nước viết về chị Võ Thị Thắng, về cuộc đời đẹp hào hùng và nụ cười kiêu hãnh trước kẻ thù của chị, nhưng có một mẩu chuyện nhỏ có lẽ không nhiều người biết, mà tôi, mỗi lần nhớ lại cứ thấy rưng rức trong tim…
Hồi ấy tôi được Ban Biên tập Báo SGGP phân công làm tường thuật kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 10. Do quý mến và có nhiều kỷ niệm với gia đình chị trước đó nên tôi và chị thường tâm sự cùng nhau, có khi ở hành lang hội trường những phút giải lao, có khi ở phòng dành cho đại biểu nữ. Cùng là phụ nữ, ngoài những chuyện bên lề Quốc hội, chị em chúng tôi hay chia sẻ cùng nhau nỗi lo về “hậu phương”, về nỗi nhớ nhà, nhớ con…
Chị kể: Hồi chị mới được chuyển về Trung ương Hội LHPN, thời gian xa nhà ngày càng nhiều hơn. Mỗi lần về TPHCM ba mẹ con chị quấn quýt nhau không rời, nhất là bé út Hiếu Thuận, luôn trách mẹ là “Cứ đi Hà Nội hoài”. Một buổi tối mùa đông, Hà Nội rét đến nỗi chị phải vừa quấn cái chăn bông vừa đọc tài liệu chuẩn bị cho một cuộc hội thảo. Vừa mở mấy trang đầu của tập tài liệu, một mảnh giấy nhỏ xíu rơi xuống, chị nhặt lên đọc và thấy đau nhói trong tim, nước mắt cứ thế ướt mèm tập tài liệu. Trên mảnh giấy xé vội, có dòng chữ viết vội mà cô bé Hiếu Thuận đã lén nhét vào tập tài liệu của mẹ: Lạy trời cho má đừng đi Hà Nội nữa.
Chị biết đứa con gái nhỏ rất nhớ mẹ, cũng như chị chẳng bao giờ muốn xa con nhưng biết làm thế nào… Phụ nữ gánh vác việc xã hội, đặc biệt là tham gia việc chính trị là một bước tiến dài trong sự nghiệp đấu tranh giành quyền bình đẳng giới và để đạt được điều này, chị em đã phải hy sinh rất nhiều, trong đó có niềm hạnh phúc được gần gũi, chăm sóc, nuôi dạy con. Và chị đã có những năm tháng đằng đẵng chấp nhận sự hy sinh này…
Còn nhiều mẩu chuyện, những câu nói của chị làm tôi nhớ mãi và càng nhớ tôi càng thấy yêu quý thêm người phụ nữ mạnh mẽ kiên cường nhưng cũng thật dịu dàng đôn hậu với chiều sâu nội tâm đầy chất nhân văn. Chị Thắng ơi, hãy yên lòng ngủ một giấc dài với nụ cười mãi còn trên môi, mãi còn trong lòng những người yêu quý, tiếc thương chị…!
NGỌC YẾN