Tiến độ xét nghiệm - yếu tố quan trọng trong chiến lược chống dịch

Trong đợt chống dịch lần này của TPHCM, tốc độ phân tích mẫu bằng RT-PCR để có được kết quả trong thời gian ngắn nhất là một trong những yếu tố quyết định thành công.
Phân loại mẫu xét nghiệm. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phân loại mẫu xét nghiệm. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tuy nhiên, ngay cả với các nước có nền y tế phát triển với cơ sở vật chất hiện đại, việc thực hiện xét nghiệm cả triệu liều mỗi ngày cũng không đáp ứng nổi. Ở Trung Quốc, để tăng khả năng xét nghiệm, họ đã sử dụng phương pháp gộp mẫu, cứ 5 mẫu gộp một. Chúng ta cũng đã sử dụng phương pháp gộp mẫu 10-20 mẫu làm một. Theo nguyên lý khoa học, không có phương pháp nào là tối ưu. Nếu gộp 10 mẫu thì có nghĩa là độ nhạy sẽ giảm 10 lần. Với mẫu có nồng độ virus cao thì giảm độ nhạy ít ảnh hưởng đến kết quả chung. Nhưng với các mẫu cần độ chính xác cao (như xác định kết quả âm tính cho người bệnh, xác định mới lây nhiễm trong cộng đồng) thì cần cân nhắc việc xét nghiệm mẫu đơn. Năng lực xét nghiệm hiện tại của TPHCM vào khoảng 7.000-10.000 mẫu đơn/ngày, nhưng nhu cầu xét nghiệm gấp 10-100 lần thì gộp mẫu là điều hầu như bắt buộc. 

Vậy, lấy mẫu và gộp mẫu như thế nào cho khoa học nhất, hiệu quả nhất là điều cần thiết cho sự thành công chống dịch. Trước hết, việc lấy mẫu cần thực hiện làm sao tránh lây nhiễm chéo cho người được lấy. Một người đang ở giai đoạn cao trào của bệnh có thể giải phóng ra ngoài không khí, bằng một cái hắt hơi, vào khoảng 20.000 giọt li ti, trong đó chứa hơn 100.000 virus (nồng độ virus vào khoảng 100 triệu con trên 1ml nước mũi). Mặt khác, thời gian sống của virus SARS-CoV-2 khá lâu, từ vài giờ đến vài ngày, do vậy, việc lấy mẫu làm sao để tránh lây nhiễm chéo cần được triển khai một cách khoa học.

Thứ hai, vì nồng độ virus khá cao cho nên chúng ta có thể gộp mẫu để tăng khả năng xét nghiệm. Việc gộp mẫu nên theo mô hình ma trận. Nói một cách đơn giản là mẫu được xếp theo hàng ngang và hàng dọc (100 mẫu thì có 10 ngang x 10 dọc). Mỗi người lấy 2 mẫu, một mẫu gộp cho hàng ngang và một cho cột dọc. Như vậy, cứ 100 mẫu thì chỉ cần làm 20 xét nghiệm, 10 xét nghiệm cho 10 mẫu gộp ngang và 10 xét nghiệm cho 10 mẫu gộp dọc. Trong đó mỗi mẫu (gộp 10) được xét nghiệm 2 lần, nâng cao độ chính xác của xét nghiệm. Mặt khác, sau khi điền vào ma trận thì kết quả từng mẫu đơn dương tính hay âm tính đều hiện rõ qua tọa độ hàng ngang và hàng dọc đưa lại. Đây là cách làm đã được ứng dụng từ lâu trong các thí nghiệm khác nhau, tùy thuộc vào mục đích, để giảm thiểu lần xét nghiệm. Ưu điểm của phương pháp này là tăng hơn 5 lần so với mẫu đơn và mỗi mẫu được xét nghiệm 2 lần.

TS NGUYỄN QUỐC BÌNH
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM

Tin cùng chuyên mục