Tiền Giang: Tập trung ứng phó hạn mặn, đảm bảo an toàn các "vườn cây bạc tỷ"

Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với trên 86.000ha. Năm nay, địa phương này có 35.000ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn; trong đó, 22.000ha sầu riêng tại các xã dọc sông Tiền có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Chính quyền và người dân địa phương ở Tiền Giang đang khẩn trương thực hiện các giải pháp ngăn mặn, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các "vườn cây mang lại bạc tỷ" này.

Tiền Giang: Tập trung ứng phó hạn mặn, đảm bảo an toàn các "vườn cây bạc tỷ"

Cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) nằm giữa sông Tiền là vùng chuyên canh cây sầu riêng lâu năm nhất của tỉnh Tiền Giang với gần 1.500ha; trong đó có 80% vườn cây đã cho trái nên nguy cơ bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt mùa khô rất cao.

img-1375-2698.jpg
Chính quyền tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn của nước trước khi bơm tưới

Trước đó các nhà vườn đã chủ động trữ đầy nước trong các mương, vườn để chống hạn, mặn; thường xuyên kiểm tra độ mặn để bơm nước tích trữ, đồng thời khoan giếng tầng sâu để chủ động nguồn nước, đảm bảo luôn có nước tưới.

Ông Trịnh Thanh Hà, chủ vườn sầu riêng hơn 5ha ở Cai Lậy (Tiên Giang), cho biết: "Mấy năm nay, vườn cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế bạc tỷ, do đó gia đình tôi chăm sóc vườn cây rất kỹ. Từng ngày, từng giờ theo dõi hạn mặn, để có phương án phòng ngừa, giúp cây không bị ảnh hưởng".

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, để phòng chống xâm nhập mặn năm nay, đối với các huyện phía Đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thích ứng bằng cách chuyển đổi, cơ cấu lại mùa vụ.

Còn các huyện phía Tây, hàng chục ngàn ha cây ăn trái ở ven sông Tiền sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Tuy nhiên, năm nay ngành chức năng đã hoàn chỉnh 6 cống trên đường tỉnh 864, vì vậy khi hạn mặn lên, các cống này sẽ được đóng lại và sẽ lấy nước từ kênh Nguyễn Văn Tiếp về phục vụ cho việc tưới tiêu, đây là một giải pháp rất an toàn và hiệu quả.

Riêng 2 xã Cù lao Tân Phong và Ngũ Hiệp chưa có hệ thống đê bao khép kín, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị dự phòng một số giếng khoan.

Bên cạnh đó, người dân cần phải đào ao trữ nước, nạo vét kênh mương để tăng cường tích nước và trữ nước. Người dân cần tích nước trong các túi, hoặc các bồn chứa, đồng thời phải tưới nước tiết kiệm, giảm lượng nước lại. Đối với những vùng thiếu nước tưới, người dân cần bỏ bớt trái, cắt cành để cây không bị chết. Quan trọng hơn, trước khi lấy nước tưới, người dân cần đo, xác định độ mặn.

sau-rieng4-801.jpg
Chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang hướng dẫn người dân cần thực hiện tưới tiết kiệm

Cùng với đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa ra văn bản khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè cần triển khai các phương án tổ chức gia cố các bờ bao, cửa cống thực hiện trữ nước tưới, tổ chức vận hành 17 giếng khoan dự phòng để phục vụ công tác chống hạn mặn

Đồng thời thực hiện trục vớt lục bình, chướng ngại vật nhằm thông thoáng lòng sông, kênh rạch trên địa bàn. Tuyên truyền người dân chủ động gia cố bờ bao cống đập trữ nước và thực hiện tưới tiết kiệm nước. Kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới vườn cây ăn trái.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV cấp nước Tiền Giang tăng cường công tác kiểm tra vận hành các nhà máy nước, các trạm cấp nước, đảm bảo không để xảy ra sự cố gián đoạn trong việc cung cấp nước cho người dân; Lắp đặt và mở các vòi nước công cộng theo kế hoạch để người dân vùng xa lấy nước miễn phí. Chủ động bổ cấp nguồn nước tích trữ vào các ao cho người dân; Xây dựng phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt của các địa phương phía Đông trong suốt mùa khô 2024.

Tin cùng chuyên mục