Tiền hậu bất nhất

Phải mất gần 15 năm, UBND quận 12 mới thuyết phục và xử lý được 10 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận. Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại cấp phép cho hình thành mới 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác tại chính khu vực này. Điều đáng nói đây không phải là trường hợp duy nhất, càng không phải là trường hợp đầu tiên.

Phải mất gần 15 năm, UBND quận 12 mới thuyết phục và xử lý được 10 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận. Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại cấp phép cho hình thành mới 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác tại chính khu vực này. Điều đáng nói đây không phải là trường hợp duy nhất, càng không phải là trường hợp đầu tiên.

Từ năm 2010, tại nhiều cuộc họp, đại diện Ủy ban nhân dân các quận, huyện Bình Chánh, Tân Bình, Bình Tân… đã rất bức xúc khi thừa nhận rằng huyện không thể giải quyết những cơ sở sản xuất ô nhiễm trên địa bàn. Có nhiều doanh nghiệp bị quận này buộc tạm ngưng hoạt động thì trong một tuần họ đã có thể thành lập doanh nghiệp khác tại quận huyện khác. Riêng huyện Bình Chánh, có trường hợp doanh nghiệp nọ vừa bị huyện buộc phải ngưng hoạt động vì có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng thì chỉ chưa đầy tuần sau, tại địa điểm đó, một cơ sở với tên hoàn toàn mới được hình thành và cũng hoạt động đúng với ngành nghề của doanh nghiệp trước đó sản xuất trước khi giải thể. Cán bộ huyện biết rõ cơ sở đó là “bình mới rượu cũ” nhưng cũng không có cơ sở nào để xử lý.

Liên quan đến những bức xúc trên, từ năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ cấp phép cho những doanh nghiệp có đủ các điều kiện về công tác bảo vệ môi trường. Thậm chí, với những phương án đầu tư xử lý chất thải của doanh nghiệp đưa ra trước khi đầu tư phải được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì Sở Kế hoạch và Đầu tư mới cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, bất chấp những đề nghị trên từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường, những doanh nghiệp hoạt động những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, những doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhưng không quan tâm đến việc xử lý chất thải phát sinh vẫn được cấp phép thành lập tràn lan. Không chỉ vậy, có những doanh nghiệp, cơ sở tái vi phạm môi trường nhiều lần, bị các cơ quan chức năng xử phạt nhưng vì để tránh nộp phạt họ thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh dưới một tên khác thì cũng vẫn được cấp phép một cách dễ dàng.

Thực tế này cho thấy đã và đang có sự dễ dãi trong cấp phép đăng ký kinh doanh. Chính sự dễ dãi này đã tạo kẻ hở cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tồn tại dưới nhiều hình thức và tên pháp nhân khác nhau. Đồng thuận quan điểm này, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước phải mất 10 năm mới xử lý hơn 300 doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng lại để phát sinh đến hơn 3.000 doanh nghiệp gây ô nhiễm khác. Và nếu việc ngăn chặn hình thành mới cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không bắt đầu thực hiện từ gốc thì cho dù có thành lập thêm hàng chục đơn vị có chức năng thanh kiểm tra môi trường cũng chỉ là đi giải quyết phần ngọn của vấn đề, còn cái gốc của tình trạng ô nhiễm thì vẫn tồn tại và ngày càng lan rộng.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục