Tiền lì xì của cu Dồ

Năm nay cu Dồ lên bảy, học lớp một. “Dồ” là cái tên quen gọi, chứ tên khai sinh của Dồ cũng khá mỹ miều: Lê Nhân Văn. Tên ấy do bà ngoại đặt. Ngoại không phải người nhiều chữ nghĩa, nhưng sao đặt tên đứa cháu nào nghe cũng hay.
Tiền lì xì của cu Dồ

Tên cu Dồ cũng của ngoại cho. Ngoại kêu: tên Tí, tên Tèo, tên Bi, tên Bo hàng xóm đặt hết, thôi sẵn nó có cái trán dồ thì kêu là cu Dồ cho khỏi “đụng hàng”. Nhứt trí!

Ngoại nói không sai, trán cu Dồ… dồ thật. Ấy lỗi một phần do Dồ sinh thiếu tháng. Có hai ký tư, èo uột như con mèo ướt…, à không, như con khỉ con, suốt ngày khóc la bai bải. Khỉ con đứa nào trán chẳng dồ, không lạ; có điều cái trán dô của Dồ đặc biệt mang vẻ gì đó rất… bướng bỉnh. Cái bướng bỉnh thể hiện ở chỗ lúc Dồ chưa đầy tuổi mụ, cứ nhất định đòi bà ẵm suốt trên tay, đặt xuống là khóc váng! Ẵm cho đến lúc Dồ ta thiu thiu ngủ mới rời ra được. Ngoại cưng, ráng ẵm, nhưng hay gí ngón tay vào cái trán dồ mắng yêu: trán vầy hèn chi bướng! Chẳng biết có hiểu gì không, nhưng mỗi lúc bị ngoại gí tay như vậy, Dồ lại toe miệng cười…

Bập bẹ tập nói, Dồ đã gọi ngoại là “mẹ”. Lý do là tại mẹ đi làm suốt, Dồ toàn sống với ngoại không thôi. Ba mẹ Dồ lao động phổ thông, lấy nhau đôi bên đều nghèo, phải nỗ lực đầu tắt mặt tối gầy dựng cơ nghiệp. Vậy nên sinh cu Dồ được tròn năm, mẹ đã bỏ Dồ nhờ ngoại nuôi, bươn bả theo ba lên thành phố làm thuê, năm chỉ 2 lần về quê dịp giỗ bố chồng và tết. Ở với ngoại từ khi mới lững chững đi cho tới lúc vô lớp một, ngày ngày được ngoại đón đưa đi học, Dồ gần như không nhớ tới sự tồn tại của mẹ. Cho dù đêm đêm mẹ vẫn có gọi điện, trò chuyện online với Dồ, nhưng nếu ai hỏi có nhớ mẹ không, Dồ luôn lắc đầu tỉnh rụi bảo không. Hàng xóm nghe cũng mắc cười. Có người chọc: Thôi xong, giờ ngoại thành mẹ, còn mẹ thành… người dưng. Ngoại nghe, cười như mếu!

Tưởng giỡn suýt chút hóa thật. Năm kia, ba mẹ cu Dồ về tết, tới nhà ngoại xin đón Dồ về. Gặp ba mẹ, được nhận quà bánh cu Dồ cũng mừng; nhưng tới lúc bảo lên xe chở về, cu Dồ cứ đu chân ngoại khóc, nhất định không. Dồ bảo, Dồ muốn ở với ngoại, ăn tết với ngoại, tối ngủ với ngoại và vân vân. Ba quát Dồ cũng không sợ. Mẹ Dồ bất lực đứng chảy nước mắt. Ngoại phải dỗ: “Cu Dồ ngoan, nghe ngoại nói nè: Hôm rồi ngoại nằm mơ thấy… ông tiên. Ông dạy: con nít đầu năm phải ngủ ở nhà mình cả năm mới mau lớn, học giỏi. Cu Dồ có muốn sang năm mau lớn, học giỏi không?”. “Con muốn, híc! Nhưng con muốn ở với ngoại…”. “Ừ ừ, ngoại biết. Giờ con nghe lời ngoại, về ngủ với ba mẹ một đêm - chỉ một đêm thôi - cho sang năm mau lớn, học giỏi. Mai mồng một, ba mẹ lại chở con về ngoại nhận lì xì…”.

Cu Dồ nghe, quẹt nước mắt miễn cưỡng leo lên ngồi sau lưng ba. Bà ngoại nháy mắt, ngoắc mẹ cu Dồ ra góc khuất, bảo nhỏ: Tao chỉ làm được tới vậy, còn “dụ” sao cho nó chịu ở nhà xong cái tết là chuyện của vợ chồng bây…

Giờ thì cu Dồ người lớn hơn, không còn kêu ngoại là “mẹ”, mấy ngày tết chịu theo ba mẹ về nhà chứ không để phải nài nỉ như trước. Vậy nhưng, chắc chắn một điều, nếu hỏi cả nhà Dồ thương ai nhất, Dồ vẫn không do dự trả lời ngay: Thương ngoại nhất!

Mấy năm nay tới tết cu Dồ đã biết nhận, biết để dành tiền lì xì (hồi trước hễ ai lì xì là… bỏ chạy, không ham). Mẹ mua cho Dồ con heo đất. Được bao nhiêu tiền Dồ nhét hết vô bụng heo. Dì Út trêu: Úi, con heo của Dồ nay mập ghê, cuối năm mình đập heo, lấy tiền mua… chỉ vàng đeo cho đẹp Dồ hén? Cu Dồ nghe, lắc quầy quậy: “Hông! Con hông mua vàng!”. “Chớ con mua gì?”. “Con dành mua… ti vi!”. Dì Út ngẩn người, ngạc nhiên: “Nhà con có ti vi rồi, mua chi?”. “Hông phải mua cho con. Con mua cho... ngoại!”. “Nhà ngoại cũng có?”. “Nhưng ti vi ngoại cũ rồi, nhỏ lắm. Con nghe ngoại than: coi cái ti vi vừa nhỏ vừa nhòe màu nhức mắt quá…”.

Ừ, nhức mắt thật, không thể không thừa nhận. Ti vi 14 inch nhỏ xíu, lại cũ mèm. Cái ti vi ấy, dì Út nhín tháng lương đầu tiên mua cho ba mẹ lúc mới đi làm. Gần hai mươi năm chớ ít ỏi gì. Tuổi đời một cái ti vi vậy đã quá thọ, mở lên còn hình là may, sao coi tốt được? Lâu nay mải lo việc nhà mình, dì Út quên mất. Giờ nghe cu Dồ nói mới giật mình dòm lại. Trông nó cổ lỗ sĩ, xấu xí tồi tàn quá tay, lẽ ra phải thay mới từ lâu. Ông bà ngoại cu Dồ cứ ráng coi. Với lại sợ con cái tốn tiền…

Tự nhiên dì Út thấy cay mắt.

Nữa, lúc dì ra về, cu Dồ còn chạy theo bổ sung thông tin: Con quên, bữa rồi, con hứa mơi mốt lớn kiếm tiền mua ti vi mới cho ngoại. Nghe xong ngoại cười, vuốt tóc con rồi bảo: đợi cu Dồ mua được ti vi chắc ông bà ngoại coi ti vi giấy rồi! Cái ti vi giấy ấy ra sao, có… đẹp không hở dì?

Lần này thì không chỉ mắt cay, dì Út khóc luôn tại trận!

Mùng 7 Tết. Như lệ thường mọi năm, ba mẹ và các cậu dì lại tập trung nhà ngoại tổ chức bữa cỗ hạ nêu. Anh em, con cháu vui cùng nhau một bữa trước lúc tứ tán đi làm. Cỗ đơn giản: con gà luộc xé phay chấm muối tiêu chanh, vài lon bia, nước ngọt và bánh mứt linh tinh còn lại sau tết. Tiệc rôm rả giữa chừng, dì Út mở lời: “Em có chuyện này muốn hỏi ý mấy anh chị”. “Gì đó?”, cậu Năm ngừng nhai, nhướng mắt. “Em thấy cái ti vi của ba má cũ quá, hư lên hư xuống, màu sắc lại nhòe coi hại mắt người già. Em muốn ra giêng mua cho hai cụ cái mới…”. “Được á, mà mày tính mua loại nào?” “Dạ, ti vi thông minh treo tường cho gọn. Chừng ba hai “in”. Anh Năm thấy sao?”. “Khỏi! mua luôn cho hai cụ cái năm lăm “in” đi. Tao góp một nửa”. “Nè, ai cho hai anh em ông một mình tự quyết? Tụi tui cũng góp!”, má với dì Bảy đồng thanh. “Tốt. Nếu vậy thừa tiền ta “đầu tư” luôn cho ba má cái tủ lạnh với cái bếp gas. Đầu năm nói phải làm ngay, không để lâu nó… nguội!”.

Cả nhà bật cười, giòn vang. Ông bà ngoại cũng cười mà mắt rưng rưng. Đang vui chợt có tiếng trẻ con. Là tiếng cu Dồ. Cu Dồ hấp tấp ngoài sân chạy vào kêu: “Con nữa nè! Con cũng muốn góp…”. Dì Bảy nghe, cười ngất: “Trời đất, con tiền đâu mà góp?”. “Hông, con có!”.

Cu Dồ chạy thẳng vào buồng, khệ nệ bê con heo đất đựng lì xì ra…

Tin cùng chuyên mục