Tiền nhàn rỗi ồ ạt chảy vào ngân hàng dù lãi suất giảm sâu

Theo số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 8-2023, số dư tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm 2022, tương đương số tăng tuyệt đối là 567.600 tỷ đồng.
Tiền gửi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng dù lãi suất giảm sâu
Tiền gửi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng dù lãi suất giảm sâu

Riêng tháng 9-2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 15.900 tỷ đồng, theo đó các ngân hàng thu hút được 6,45 triệu tỷ đồng. Mức tăng tiền gửi cá nhân trong tháng 9-2023 chỉ thấp hơn thời điểm trước dịch và cao hơn so với cùng kỳ 3 năm trước. So với đầu năm 2023, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.

Không chỉ thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư, lượng tiền gửi vào ngân hàng của các tổ chức kinh tế cũng tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 9-2023, các tổ chức kinh tế đã gửi vào ngân hàng 217.000 tỷ đồng, lên 6,23 triệu tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 4,65% so với hồi đầu năm. Như vậy, tiền gửi vào ngân hàng của khối tổ chức trong tháng 9-2023 còn cao hơn so với dân cư.

Tính chung, tiền gửi của dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết quý 3-2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm.

Nhận định về việc tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào kênh tiết kiệm bất chấp lãi suất tiền gửi đã giảm khá mạnh thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, kênh tiền gửi luôn được người dân ưa chuộng vì tính an toàn dù tỷ suất sinh lời không bằng các kênh đầu tư khác. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường bất động sản chững lại, thị trường vàng và chứng khoán biến động mạnh, gây nhiều rủi ro khiến nhà đầu tư tiếp tục “trú ẩn” vào kênh tiền gửi tiết kiệm.

Lý giải việc các tổ chức ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng thời gian gần đây, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM cho biết, thông thường, vào dịp cuối năm, dòng tiền thường chảy ra khỏi ngân hàng vì doanh nghiệp, người dân rút tiền để chuẩn bị sản xuất kinh doanh cho mùa cao điểm, cũng như mua sắm chi tiêu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn hấp thụ yếu, không chỉ tín dụng dư thừa trong ngân hàng vẫn chưa để đẩy ra thị trường, mà còn nhận một lượng tiền lớn nhàn rỗi, trong đó có cả khu vực tổ chức kinh tế.

“Đứng trước triển vọng không mấy chắc chắn của nền kinh tế sắp tới, môi trường kinh doanh vẫn khá rủi ro nên đa số các doanh nghiệp đều thu hẹp hoạt động và phòng thủ nên không những không vay vốn ngân hàng mà có vốn nhàn rỗi, doanh nghiệp cũng có xu hướng gửi ngân hàng để lấy lãi, chờ cơ hội mới mở rộng sản xuất kinh doanh”, vị này cho hay.

Với lãi suất tiền gửi VND cao nhất trong tháng 10-2022 ở mức hơn 10%/năm thì hiện lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng ở hầu hết các ngân hàng đã giảm về dưới 5%/năm, phổ biến ở mức 2,6%-4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng chỉ quanh 5 - 6%/năm. Như vậy, so với thời điểm cùng kỳ năm 2022, lãi suất tiết kiệm VND hiện đã giảm từ 3 - 5%/năm.

Tin cùng chuyên mục