Tiến sĩ Đào Lê Na: Muốn kể một câu chuyện hiệu quả và đa nghĩa

Sau các công trình nghiên cứu về điện ảnh như Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa AkiraĐiện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: Giao lưu văn hóa và ảnh hưởng (chủ biên), mới đây, TS Đào Lê Na vừa giới thiệu đến độc giả tiểu thuyết Tự sự của hạt mưa (NXB Phụ Nữ). PV Báo SGGP có cuộc trò chuyện cùng chị. 

* PHÓNG VIÊN: Thưa TS Đào Lê Na, không nhiều người biết trước đây chị từng ra mắt một tác phẩm với cái tên khác. Vì sao với văn chương, mỗi lần xuất hiện chị lại sử dụng một cái tên khác nhau?

* Tiến sĩ ĐÀO LÊ NA: Tác phẩm đầu tiên là một cuốn truyện vừa, được in lúc tôi đang là sinh viên. Lúc đó, tôi cũng không nghĩ gì nhiều, và viết theo dạng nghiệp dư. Tôi dùng bút danh, xem như một cuộc thử nghiệm của mình. Thực ra có rất nhiều tác giả trên thế giới muốn quên đi tác phẩm đầu tay, và tôi cũng nằm trong số đó! (cười). 

Sau này, tôi ở lại làm giảng viên của trường. Trong 11 năm qua, tôi chủ yếu nghiên cứu văn chương, điện ảnh và dạy sáng tác. Tôi nhận ra rằng, viết văn không phải là kể lại một câu chuyện đơn thuần mà còn phải tìm cách nào đó để câu chuyện của mình đến với độc giả được sâu hơn, mang nhiều ý nghĩa hơn. Khi tìm ra được hướng đi, tôi quyết định dùng tên của mình cho tác phẩm mới.

Tiến sĩ Đào Lê Na: Muốn kể một câu chuyện hiệu quả và đa nghĩa ảnh 1  TS Đào Lê Na hiện là giảng viên môn Lý luận văn học, khoa Văn học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM 

* Trở lại sau 11 năm, bây giờ văn chương có ý nghĩa như thế nào với chị, khi mà chị đang là giảng viên khoa Văn học và cũng đang thực hành ở mảng nghiên cứu điện ảnh?

* Nói cho đúng thì với tôi, văn chương là một cuộc chơi. Nghĩa là không bao giờ tôi đặt mục tiêu sáng tác để được nổi tiếng, kiếm tiền hay đoạt những giải thưởng danh giá. Tôi sáng tác hoàn toàn vì nhu cầu tự thân, có một câu chuyện và muốn được kể; nếu có ai đó đọc, cảm thấy đồng cảm với câu chuyện của mình. Vậy là vui rồi! 

* Trực tiếp tham gia vào công việc giảng dạy và nghiên cứu, hẳn là chị phải đọc rất nhiều tác phẩm văn học. Chị học được gì từ quá trình đọc này? 

* Tôi đọc khá nhiều tác phẩm của các nhà văn trong nước lẫn nước ngoài. Tôi nhận ra đôi khi người ta vẫn hay quan niệm viết văn đơn giản chỉ là kể một câu chuyện thật hấp dẫn. Đối với tôi, cái khó của một người viết văn là phải tìm ra được cấu trúc mà qua đó câu chuyện của mình được truyền tải một cách hiệu quả và đa nghĩa nhất có thể. Văn chương không phải là bản thân câu chuyện mà là nghệ thuật kể chuyện. 

* Chị đặt tên cho tiểu thuyết của mình là Tự sự của hạt mưa, một cái tên khiến người đọc liên tưởng tới những tác phẩm từng ra mắt trước đây như Mưa đời sau, Mưa ở kiếp sau hay bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu… 

* Ngay từ đầu, tôi xác định tác phẩm sẽ khai thác đề tài người phụ nữ và mình sẽ tìm một cái tên gì đó để người đọc liên tưởng đến thân phận của họ. Với Tự sự của hạt mưa, nói gì thì nói đây vẫn là tiểu thuyết đầu tay của tôi. Tôi muốn qua tác phẩm này có một sự tri ân với tiền nhân là cụ Nguyễn Du. Một phần vì tôi được sinh ra ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), phần nữa tiểu thuyết khai thác đề tài nữ quyền sinh thái nên tôi muốn gắn người nữ với một hình tượng tự nhiên vốn đã rất quen thuộc trong ca dao Việt Nam. 

* Có rất nhiều tác phẩm khai thác đề tài phụ nữ, với Tự sự của hạt mưa, liệu chị có gì khác hơn? 

° Trong tác phẩm mới này, tôi lồng ghép nhiều lý thuyết như chấn thương, ký ức tập thể. Có những nhân vật bị chấn thương âm thanh. Theo tôi tìm hiểu, dù không sinh ra trong chiến tranh, không còn ký ức gì về chiến tranh thì bằng cách nào đó, dư chấn của chiến tranh vẫn tác động đến đời sống của thế hệ sau một cách vô thức. 

Đối với phụ nữ Việt Nam, ngoài vấn đề bình đẳng giới, họ còn là nạn nhân của các cuộc chiến. Với tôi, họ không chỉ có những vết thương sinh nở mà còn có những vết thương âm thanh. Nó kết nối họ từ đời này qua đời khác và khó chữa lành. Nhưng người phụ nữ chỉ có thể tự chữa lành những vấn đề của chính mình như tự nhiên, vì họ có sự kết nối với tự nhiên rất rõ. Trong xã hội, người nữ bị đặt lên vai rất nhiều diễn ngôn, định kiến nên họ quên mất mình thực sự là ai. 

* Vì sao không gian trong tác phẩm mở rộng sang các nước Đông Nam Á. Đặt giả thiết các nhân vật dịch chuyển qua các vùng đất trong nước, liệu ý nghĩa của tác phẩm có thay đổi?

* Vì cái tứ cho tác phẩm là từ chuyến đi Myanmar của tôi. Chỉ có đi ra khỏi đất nước, mình mới thấy được những vấn đề của dân tộc mình. Khi chúng ta ở trong cùng một lãnh thổ, chúng ta dễ dàng chia sẻ được những ký ức chung. Nhưng khi đi ra nước ngoài, liệu đường biên giới quốc gia có còn giúp mình xác định được mình là ai hay là do những ký ức dân tộc mà mình có thể chia sẻ cùng nhau? Tôi chọn Đông Nam Á vì muốn tìm đặc trưng của Việt Nam ở chính những khu vực có sự tương đồng về văn hóa.

* Chị có đọc tác phẩm của các tác giả trẻ không? Cảm nhận của chị như thế nào?

* Tác phẩm của các bạn trẻ bây giờ tràn đầy năng lượng nhưng tôi ít nhận thấy đời sống xã hội đương đại trong tác phẩm của họ. Tưởng tượng trong sáng tác thì tốt nhưng sự tưởng tượng của các bạn lại không gắn bó, kết nối được với văn hóa, với hiện thực đất nước. Có một điều trăn trở với tôi, là khi cần giới thiệu cho một nhà văn hay nhà nghiên cứu nước ngoài một tác phẩm nào đó đậm chất Việt Nam thì thật sự rất khó tìm!

Tin cùng chuyên mục