Có thể nói, chưa bao giờ việc huy động vốn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật lại khó khăn như hiện nay. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, rất nhiều công trình xây dựng cầu, đường đã được sở công khai kêu gọi đầu tư song không tìm được nhà đầu tư. Giải quyết vấn đề ấy ra sao? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM.
Trung ương phải đầu tư thêm cho thành phố
° Thưa ông, trong Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần IX, thành phố có đặt ra mục tiêu, từ nay đến năm 2015 làm mới thêm 210km đường, 50 cây cầu, giải quyết cơ bản tình trạng ngập trong khu vực nội thành cũ…, TPHCM cũng lượng định ra số tiền cần có để giải quyết các nhiệm vụ nêu trên là khoảng 3 - 4 tỷ USD/năm. Đây là số tiền không nhỏ, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Với tư cách là một chuyên gia về kinh tế, ông nghĩ sao về vấn đề này?
° Tiến sĩ VŨ THÀNH TỰ ANH: Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, thành phố nhất thiết phải huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau để phát triển hạ tầng kỹ thuật. Theo tôi, có ba vấn đề, nếu được xử lý tốt, sẽ giúp thành phố tăng thêm nguồn vốn đầu tư. Thứ nhất, thành phố nên thuyết phục Trung ương tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố. Trong kỳ ổn định ngân sách hiện nay, tỷ lệ này là 23%, tức 77% thu ngân sách của thành phố bị buộc phải nộp về Trung ương. Mức đóng góp đó quá cao và do vậy không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển không chỉ của thành phố mà còn của cả vùng Đông Nam bộ.
Thứ hai, thành phố nên rà soát lại các nguồn thu trên địa bàn. Theo tôi, vẫn còn nhiều hoạt động thành phố có thể thu thêm phí để bổ trợ cho nguồn vốn phát triển hạ tầng kỹ thuật như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí đăng ký ô tô, thu tiền chuyển quyền sử dụng đất…
Thứ ba, thành phố phải chủ động tạo ra cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở. Đầu tư trong lĩnh vực này đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, song thời gian thu hồi vốn lại lâu và vì vậy có tính rủi ro cao. Chính sách thu hút đầu tư của thành phố phải hấp dẫn và chuẩn mực hơn nữa mới tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân.
° TPHCM đã nhiều lần đề xuất Trung ương tăng phần trích để lại từ nguồn thu ngân sách cho thành phố đầu tư phát triển nhưng chưa được Trung ương chấp thuận...
° Trung bình mỗi năm, tỷ lệ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho 4 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ chiếm khoảng 10% tổng đầu tư hạ tầng kỹ thuật cả nước, trong khi 4 địa phương này đóng góp tới 30% - 40% cho các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như GDP, ngân sách, kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. So với 3 địa phương kia, mức đóng góp của TPHCM quan trọng nhất. Để duy trì sự đóng góp to lớn như vậy một cách bền vững, tất nhiên TPHCM phải tiếp tục phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, để làm được điều này hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được cải thiện không ngừng.
Hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Nếu hạ tầng kỹ thuật quá tải, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế thì hoạt động kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, chỉ khi Trung ương có chính sách đầu tư thỏa đáng, đặc biệt về hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố, thì nguồn thu từ thành phố điều tiết về Trung ương mới có thể bền vững. Thực tế này phải được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để Trung ương có quyết định phù hợp hơn.
Rà soát lại các nguồn thu còn bị... hổng
° Hoạt động kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thị trường địa ốc đóng băng, thành phố đặt thêm các khoản thu, liệu có khả thi?
° Các nguồn thu mà tôi muốn nói đến không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế nói chung và thị trường địa ốc nói riêng. Ví dụ, nguồn thu từ thuế liên quan đến bất động sản, vốn là nguồn thu mà thành phố được giữ lại 100%, không phải nộp về Trung ương. TPHCM có thể thu từ hoạt động đầu cơ bất động sản mà ai cũng biết là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy giá bất động sản lên cao ngất ngưởng, vượt xa giá trị thực.
Do vậy, nếu đánh thuế vào hoạt động này không những thành phố có thêm nguồn thu mà còn giúp “phá băng” cho thị trường và kéo giá bất động sản xuống, phù hợp hơn với khả năng mua nhà đất của đại đa số người dân thực sự có nhu cầu.
Tương tự, đối với thu phí giao thông, nên nhắm tới đối tượng sử dụng ô tô cá nhân, loại phương tiện chiếm diện tích đường nhiều nhất khi lưu thông (tính trên bình quân đầu người). Hơn nữa, chủ sở hữu ô tô đa phần là người có thu nhập cao.
Do vậy, việc nộp thêm phí vừa không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của họ vừa giúp cải thiện tính công bằng trong giao thông. Thậm chí, TPHCM có thể đưa ra định mức về số lượng ô tô được lưu hành và tổ chức đấu giá các suất này như cách làm của nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, rà soát lại việc thu thuế thu nhập cá nhân, theo hướng thu đúng, thu đủ cũng là một cách để tăng nguồn thu ngân sách. Hiện nay việc thu thuế thu nhập cá nhân mới chỉ nhắm tới được những người có bảng lương chính thức, trong khi đó có rất nhiều nguồn thu nhập khác Nhà nước không quản lý và thu thuế được.
° TPHCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ các nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhiều công trình giao thông đã ra đời từ chủ trương này như cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội…. Vấn đề hiện nay, các hình thức thu hút đầu tư mà thành phố vẫn áp dụng để kêu gọi đầu tư như BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), BOO (xây dựng - khai thác - kinh doanh) đều đã “đụng trần”, rất khó triển khai…
° Thực ra, nguồn vốn tư nhân rất tiềm tàng, vấn đề là thành phố phải xây dựng được cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn để các nhà đầu tư có động cơ bỏ vốn ra. Cơ chế này trước hết phải nhấn mạnh đến yếu tố lợi nhuận. Tất cả các dự án đưa ra kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân đều phải sinh lời. Tất nhiên, lợi nhuận của nhà đầu tư phải được cân đối với lợi ích của nhân dân và Nhà nước.
Một điều kiện tiên quyết khác, cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư phải rõ ràng, thống nhất và ổn định. Hiện nay nhìn chung các nhà đầu tư đều rất sợ sự thay đổi liên tục và đột ngột của chính sách bởi điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng rủi ro và chi phí cho họ.
Bên cạnh đó, sự vận hành của hệ thống ngân hàng phải củng cố lại theo hướng hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đặc biệt, đội ngũ các cán bộ công chức liên quan đến công tác thu hút đầu tư vào hạ tầng phải thực sự có năng lực, đủ khả năng đàm phán một cách đồng đẳng với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư quốc tế.
NGUYỄN KHOA
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM:
Công, tư hợp tác: Cơ sở pháp lý phải rõ ràng
Hình thức hợp tác công, tư (PPP) là một trong những hình thức xã hội hóa đầu tư đang được triển khai khá thành công ở nhiều nước và Việt Nam đang nghiên cứu và triển khai thí điểm thực hiện ở một số địa phương. Đây là một trong những hình thức TPHCM có thể áp dụng mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công mô hình này, Nhà nước cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể trong đó trách nhiệm của bên công, bên tư là gì.
Trách nhiệm của bên công có thể là trách nhiệm pháp lý: bảo lãnh vay hay là ưu đãi về thuế… thậm chí Nhà nước phải bỏ một phần vốn đầu tư và trách nhiệm bù cho bên tư trong tình huống thu không đủ hoàn vốn… Trách nhiệm của bên tư làm đúng hợp đồng đã ký kết, xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ… Tất cả phải được luật hóa rõ ràng.
Thủ tục hành chính đơn giản, cơ chế có tính ổn định
Một nhà đầu tư (xin giấu tên) cho biết một trong những điều nhà đầu tư ngán nhất khi làm việc với các cơ quan công quyền là thủ tục đầu tư quá rườm rà, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, muốn thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, điều trước tiên Nhà nước phải cải cách thủ tục hành chính, mọi quy định liên quan đến đầu tư phải được rõ ràng, thống nhất tránh trường hợp công chức này hiểu quy định theo cách này còn công chức kia hiểu theo nghĩa kia.
Một điều quan trọng khác, các chính sách thu hút đầu tư phải được xây dựng theo hướng ổn định, hạn chế đến mức tối đa việc thay đổi và nếu phải thay đổi thì nên áp dụng nguyên tắc bất hồi tố đối với các dự án đã áp dụng trước đó trừ trường hợp điều ấy có lợi cho doanh nghiệp. Hiện nay nhiều quy tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với một số công trình đặc biệt, mới có lần đầu ở Việt Nam như bãi đậu xe ngầm…chưa có, Nhà nước phải có trách nhiệm nhanh chóng hoàn thành các quy tắc, tiêu chuẩn này, tránh trường hợp bỏ mặc cho doanh nghiệp tự xoay xở.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình đầu tư công thuộc Chương trình giảng dạy Fulbright:
Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro
Đã có một số hợp đồng đầu tư xây dựng ký kết giữa Nhà nước và nhà đầu tư không được xây dựng chặt chẽ và hậu quả thường nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro. Những hiện tượng như vậy đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình kêu gọi xã hội hóa đầu tư, do đó theo tôi cần phải chấn chỉnh lại bất cập này. Các bản hợp đồng phải được xây dựng thật chặt chẽ, trong đó quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên phải được quy định rõ ràng. Đặc biệt phải có cơ chế ràng buộc các bên thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, cùng hưởng lợi và cùng chia sẻ rủi ro.
Cân nhắc kỹ lại hình thức đầu tư BT
Một chuyên viên đô thị nói: Theo quy định trong đầu tư BT, vốn tự có của nhà đầu tư chỉ cần 10% - 15%/tổng vốn đầu tư công trình. Phần vốn còn lại nhà đầu tư có quyền đi vay ngân hàng và tính gộp cả lãi vay vào chi phí đầu tư. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ nhà đầu tư không cần vay ngân hàng ngay một lúc toàn bộ số vốn còn lại, thường họ vay theo tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, trong chi phí đầu tư xây dựng nhiều nhà đầu tư lại luôn tính chi phí theo hướng đã vay ngay một lúc toàn bộ số vốn còn lại và đã phải trả lãi vay cho khoản vay khổng lồ ấy (thay cho thực tế vay theo từng phần căn cứ vào tiến độ xây dựng). Mức chênh lệch giữa hai kiểu tính này rất lớn. Tất nhiên, nhà đầu tư là người được hưởng lợi và ngân sách nhà nước thiệt thòi.
NHÓM PV
Xã hội hóa các công trình nhỏ: Vẫn hấp dẫn
Có một hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng khác hiện nay vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư, đó là Nhà nước đưa một số công trình từ trước đến nay vẫn thuộc quyền thực hiện của các doanh nghiệp Nhà nước ra đấu thầu công khai, chọn ra nhà thầu có năng lực nhất, không phân biệt nhà thầu thuộc thành phần kinh tế nào.
Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý Giao thông Đô thị số 2, đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải quản lý Nhà nước về giao thông công chính ở khu vực Đông Bắc của thành phố, cho biết thời gian qua, việc chăm sóc cây xanh, duy tu bảo dưỡng đường thuộc quyền quản lý của Khu 2 đều đã được đưa ra đấu thầu công khai. Kết quả, Khu 2 đã tiết kiệm được khoảng 15% - 20%/tổng chi phí bảo dưỡng duy tu mà trước đây Nhà nước vẫn phải chi cho các đơn vị công ích thuộc nguồn vốn Nhà nước thực hiện.
Sắp tới, Khu 2 sẽ nghiên cứu để tiếp tục đưa việc duy tu, bảo dưỡng các công trình chiếu sáng công cộng ra đấu thầu nhằm giảm hơn nữa chi phí trong quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ở góc độ rộng hơn, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đang kêu gọi người dân và doanh nghiệp góp công, góp sức với Nhà nước trong việc phát triển một số công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ, vừa với sức đóng góp của mọi người. Đơn cử việc trồng cây xanh, trong năm qua, Sở Giao thông Vận tải đã kêu gọi các doanh nghiệp và người dân đóng góp hàng tỷ đồng để trồng cây xanh trên nhiều đoạn tuyến của đường Võ Văn Kiệt, nút giao thông Cát Lái… Đa phần việc đóng góp này của người dân, doanh nghiệp là không vụ lợi, có chăng, chỉ một tấm biển nhỏ ghi tên người, đơn vị đã góp sức trồng cây.
Theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, đây là một trong những hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố nên triển khai rộng rãi. Quy mô thực hiện của các hình thức này có thể không lớn, trị giá không cao nhưng đây là cơ hội để người dân được đóng góp cho thành phố và ngân sách thành phố cũng bớt được phần nào gánh nặng.
TÂM ĐỨC
Nhà đầu tư đến rồi lại... đi
Kẹt phương án tài chính
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Quản lý Giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết từ đầu năm 2012 đến nay chỉ có một nhà đầu tư đến sở, đặt vấn đề được nghiên cứu xây dựng tuyến đường nối Ngã ba Bình Thái với Ngã ba Kênh Đông dài khoảng 2km. Tất nhiên, Sở Giao thông Vận tải sẵn lòng tiếp nhận đề xuất này bởi đây là một trong những công trình sở đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Thế nhưng, niềm vui của cả hai bên đã sớm chấm dứt khi cả hai đều không tìm ra giải pháp hành chính phù hợp. Nhà đầu tư muốn được xây dựng theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải đồng ý hình thức ấy nhưng… đất không có để đổi.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tám, trong hơn 6 tháng đầu năm nay, Sở Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư chỉ khởi công xây dựng được 2 công trình giao thông có quy mô tương đối lớn, đó là cầu Sài Gòn 2 và cải tạo 2 nút giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc. Trong đó cầu Sài Gòn 2 được xây dựng theo hình thức BT với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và 2 nút giao thông trên tuyến quốc lộ 1A được xây dựng theo hình thức BOT với nhà đầu tư là chính đơn vị đang tiến hành thu phí giao thông trên tuyến đường này.
Ông Nguyễn Văn Tám cho biết cầu Sài Gòn hiện hữu đã quá tải và rất cần có cầu Sài Gòn 2 chia tải nên thành phố buộc phải nỗ lực hết sức thu xếp vốn để xây dựng (hình thức BT là nhà đầu tư xây dựng xong công trình, bàn giao cho Nhà nước rồi mới nhận tiền xây dựng). Còn 2 nút giao thông trên quốc lộ 1A do được kết hợp thu hồi vốn đầu tư với vốn đầu tư xây dựng tuyến đường này (quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc) nên mới sớm được khởi công xây dựng.
Hàng chục công trình… chờ nhà đầu tư
Trung tuần tháng 6-2012 vừa qua, trên cơ sở chấp thuận của HĐND TPHCM về danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM đã có văn bản giao Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan tiến hành công bố danh mục đầu tư này. Tất nhiên, bây giờ còn quá sớm để đánh giá kết quả của đợt công bố nhưng thực ra đa phần các công trình có tên trong danh mục đều đã được Sở Giao thông Vận tải đưa ra kêu gọi đầu tư từ trước đó khá lâu (trên tinh thần triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa của thành phố).
Có thể kể tên một số công trình điển hình như sau: tuyến đường trên cao số 1 chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với điểm đầu là gần Lăng Cha Cả và điểm cuối gần cầu Thị Nghè; tuyến đường trên cao số 2 chạy dọc đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - đường số 3 và Vành đai 2; đường trên cao số 3 kết nối với đường trên cao số 2 ở khu vực đường Tô Hiến Thành rồi chạy trên cao theo đường Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - đường trục Bắc Nam - đường Nguyễn Văn Linh; đường nối từ nút giao thông Bình Thái đến nút giao thông Gò Dưa thuộc tuyến đường Vành đai 2; đường nối từ nút giao thông Gò Dưa đến quốc lộ 1A; mở rộng cải tạo Tỉnh lộ 14, 15…
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các công trình này, đặc biệt là các tuyến đường trên cao. Thậm chí, đã có nhà đầu tư bỏ công sức ra nghiên cứu, lập dự án xây dựng các tuyến đường trên cao… Thế nhưng, khi đụng tới bài toán kinh tế, giải pháp hoàn vốn…thì cả nhà đầu tư và Nhà nước đều bí. Sử dụng hình thức BT hay BOO thì ngân sách thành phố cũng phải trả tiền cho nhà đầu tư (dù là trả sau khi công trình hoàn thành).
Còn sử dụng hình thức BOT, tại thành phố đã có khá nhiều công trình BOT với không ít trạm thu phí hoàn vốn. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thành phố không thể làm trạm thu phí khắp nơi. Đổi đất lấy hạ tầng, thành phố cũng không còn đất để đổi… Do vậy, Sở Kế hoạch - Đầu tư công bố danh mục kêu gọi đầu tư, có thu được kết quả hơn Sở Giao thông Vận tải hay không, vẫn phải chờ.
PHẠM KIM NGÂN