Những khoản lương, thưởng cuối năm và vấn đề quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang rất “nóng” vào thời điểm cuối năm, chúng tôi xin trích đăng phần trả lời của bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TPHCM) đối với một số câu hỏi mà nhiều bạn đọc quan tâm.
Thưởng cho năm 2007, 2008, tính thuế thế nào?
* Công ty chúng tôi đang triển khai thực hiện cổ phần hóa, tuy nhiên quá trình quyết toán chúng tôi có một số điểm thắc mắc, đề nghị Cục thuế TP giải đáp giúp: về quy chế trả lương, thưởng của công ty, chúng tôi chi thưởng quý 4-2007 và lương tháng 13 của năm 2007 cho các cá nhân đã chuyển công tác trong năm 2007 (điều động đến các đơn vị trực thuộc của công ty). Các khoản thưởng này được chi trong tháng 1-2008, vì vậy chúng tôi thực hiện quyết toán thuế TNCN trong năm 2008.
Ngoài ra, vào tháng 10-2008, công ty chúng tôi có thưởng đột xuất cho tập thể và cá nhân do hoàn thành vượt mức kế hoạch và chi thưởng cho các cá nhân đã chuyển công tác. Vậy đối với các cá nhân đã chuyển công tác hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước ngày chi thưởng đột xuất, chúng tôi sẽ thực hiện quyết toán chia đều tổng thu nhập trong năm cho 12 tháng và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần để xác định số thuế phải nộp, hay chia đều tổng thu nhập đến thời điểm chuyển công tác cho số tháng làm việc thực tế để tính thuế TNCN? Đối với các cá nhân chuyển công tác sau ngày chi thưởng đột xuất nhưng trước ngày 31-12-2008, công ty sẽ chia đều tổng thu nhập cho 12 tháng hay chia đều tổng thu nhập cho số tháng làm việc thực tế tại công ty?
(Nguyễn Bảo Ngân, quận Thủ Đức, TPHCM)
* Căn cứ quy định điểm 3.3.1.1, và điểm 4.2.1, mục III, Thông tư 81/2004/TT-BTC ngày 13-8-2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao: “Đối với cơ quan chi trả thu nhập, việc kê khai, tạm nộp thuế hàng tháng được thực hiện như sau: Thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với khoản chi trả thu nhập cho cá nhân thuộc sự quản lý của cơ quan chi trả thu nhập; cá nhân có ký hợp đồng lao động ổn định (không xác định thời hạn) và các trường hợp ký hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động thời vụ.
Việc lập tờ khai đối với khoản thu nhập này được thực hiện theo mẫu số 03a/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này. Thực hiện khấu trừ 10% trên tổng thu nhập đối với các khoản chi trả cho cá nhân có thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên mà khoản thu nhập này có được từ các hoạt động đại lý hưởng hoa hồng, môi giới (kể cả tiền thưởng); tiền nhuận bút, tiền giảng dạy; tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, tác phẩm; tiền thù lao do tham gia dự án, hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên; dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tin học, dịch vụ tư vấn, thiết kế, kiến trúc, đào tạo, hoạt động biểu diễn, hoạt động thể dục thể thao và các khoản chi trả thuộc diện chịu thuế khác”.
Về nội dung quyết toán thuế được quy định như sau: đối với người Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt Nam thì cá nhân tổng hợp toàn bộ thu nhập các tháng trong năm (kể cả tháng không có thu nhập), chia cho 12 tháng để tính thu nhập chịu thuế bình quân tháng làm căn cứ xác định số thuế phải nộp cả năm; đối chiếu với số đã nộp hàng tháng, xác định số thuế còn thiếu phải nộp thêm (hoặc số nộp thừa được thoái trả).
Căn cứ quy định nêu trên, trong tháng 10-2008 công ty có chi tiền thưởng (thưởng đột xuất) cho các nhân viên tham gia hoàn thành vượt mức kế hoạch, thì đối với các nhân viên nhận tiền thưởng nhưng đã chuyển công tác trong năm 2007, năm 2008 (chuyển công tác trước thời điểm nhận tiền thưởng) công ty thực hiện khấu trừ 10% trên thu nhập nếu số tiền từ 500.000 đồng trở lên. Đối với các nhân viên nhận tiền trong năm 2008 và tại thời điểm trả tiền thưởng còn đang công tác tại công ty thì công ty khấu trừ theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, khi quyết toán thuế công ty thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.
Chị ruột có được tính giảm trừ gia cảnh?
* Về giảm trừ gia cảnh, nhân viên công ty tôi phụng dưỡng cha mẹ (75 tuổi) và chị ruột (quá tuổi lao động) cùng chung hộ khẩu, thì có được giảm trừ không?
(Nguyễn Mỹ Châu, quận Bình Thạnh, TPHCM)
* Căn cứ Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 và điểm 1.2 và điểm 2.2, Điều 2, Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27-3-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN thì điều kiện tính đối với người phụ thuộc ngoài độ tuổi lao động quy định như sau: “...Người ngoài độ tuổi lao động được tính là người phụ thuộc phải là người không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm không vượt quá 500.000 đồng. Đối với người phụ thuộc là ông bà nội; ông bà ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột; cháu ruột và các cá nhân khác còn phải thỏa mãn thêm điều kiện là người không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng”.
Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như sau: người phụ thuộc là ông bà nội, ông bà ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột; cháu ruột, các cá nhân khác có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp người phụ thuộc cùng hộ khẩu với đối tượng nộp thuế thì không cần xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã mà chỉ cần bản sao hộ khẩu. Trường hợp người phụ thuộc không cùng hộ khẩu nhưng đang sống cùng đối tượng nộp thuế thì phải có bản sao đăng ký tạm trú hoặc bản tự khai (theo mẫu số 21a/XN-TNCN kèm theo Thông tư này) có xác nhận Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng nộp thuế sống về việc người phụ thuộc đang sống cùng. Trường hợp người phụ thuộc không sống cùng đối tượng nộp thuế nhưng đối tượng nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng thì đối tượng nộp thuế tự khai (theo mẫu số 21b/XN-TNCN kèm theo Thông tư này) và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận về việc người phụ thuộc hiện đang sống tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng.
Nếu cha mẹ già và chị ruột của đối tượng nộp thuế ngoài độ tuổi lao động, cùng chung hộ khẩu, thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì được tính là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh
CHẾ HÂN - Q.VIỆT