Cạnh tranh với các nước trong khu vực
Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, hiện trái thanh long đã được trồng ở 60/63 tỉnh thành trong cả nước, với quy mô ước tính hơn 54.000ha; trong đó diện tích cho quả khoảng 46.000ha. Loại cây này trồng tập trung chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận khoảng 30.000ha, năng suất đạt 21,7 tấn/ha; tỉnh Long An 12.000ha, năng suất 32 tấn/ha và tỉnh Tiền Giang 8.000ha, đạt 29,7 tấn/ha. Trong vòng 8 năm qua, diện tích đã tăng từ 15.000ha vào năm 2010, lên 54.000ha vào năm 2018, với sản lượng hơn 1 triệu tấn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu trái thanh long hàng đầu thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 1,13 tỷ USD năm 2018, chiếm hơn 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi của cả nước.
Việt Nam đang xuất khẩu thanh long đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ và giữ thị phần thanh long xuất khẩu lớn nhất ở châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc chiếm trên 80% lượng thanh long xuất khẩu, sau đó là thị trường châu Âu và Hoa Kỳ; gần đây chúng ta đã mở mới thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng là Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Australia. Và trong tương lai, trái thanh long Việt Nam sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh từ các nước, vùng lãnh thổ: Thái Lan, Đài Loan, Israel, Malaysia, Mexico, Colombia, Ecuador...
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, năm 2019, diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP có 10.000ha, chiếm 30% diện tích toàn tỉnh và được chứng nhận GlobalGAP là 264ha. Tính đến hết năm 2018, diện tích thanh long tăng hơn 1.500ha so với năm 2017, sản lượng thu hoạch 593.087 tấn, tăng 52.835 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, tỉnh chỉ có khoảng 500ha trồng giàn, áp dụng đồng bộ hệ thống tưới tự động và cơ giới hóa trong sản xuất.
Trong khi đó, nhiều nước (như Trung Quốc) chiếm sản lượng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đã bắt đầu áp dụng quy định mới đối với nhập khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây; sản phẩm phải đạt yêu cầu kỹ thuật, an toàn nguyên liệu thực phẩm; kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, bao bì… Trong khi ở nước ta, do phát triển không bền vững, nhiều nông dân tăng diện tích trồng đã khiến sản lượng dư thừa; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn…, cho nên giá bán từ cao ngất ngưỡng, cho đến lúc bán không có người mua như mít Thái, sầu riêng, dưa hấu, cà phê, tiêu…
Ngoài ra, chi phí logistics khá cao cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khả năng cạnh tranh kém. Nông dân liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ còn kém. Cuối cùng, nhiều trái cây giống Việt Nam, nước ngoài cũng trồng được như Thái Lan, Trung Quốc… và giá thành còn cạnh tranh hơn.
Nâng cao giá trị cây ăn trái theo quy hoạch
Hiện Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thanh long Bình Thuận sang các nước xuất khẩu và tiềm năng xuất khẩu, đã có 12 nước đồng ý bảo hộ. Tuy nhiên, hệ thống phân phối thanh long hiện tại còn nhiều bất cập, chủ yếu là tiêu thụ theo kênh phân phối truyền thống qua nhiều tầng nấc trung gian; phương thức giao dịch giữa nông dân với người mua đều thực hiện thỏa thuận bằng miệng, không thông qua hợp đồng và quan hệ mua bán không bền vững, thường bị chi phối bởi thị trường nên không quyết định được giá cả.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, áp lực cạnh tranh của thị trường tiêu thụ nông sản như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hiếu, đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam, chia sẻ trái cây đang bị tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất. Để phát triển bền vững, trái cây cần áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ giống cho đến sản xuất; xây dựng thương hiệu… là những vấn đề then chốt sẽ giúp ngành sản xuất chuyển dịch nhanh chóng từ “lượng” sang “chất”, đồng thời đáp ứng mục tiêu hướng đến đảm bảo sự cân bằng môi sinh và phát triển bền vững.
Đơn cử, ông Đào Văn Vũ (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) áp dụng công nghệ trồng theo New Zealand là sử dụng đèn tiết kiệm điện để xử lý ra hoa thanh long, xây dựng mô hình trồng thanh long mới theo kiểu giàn chữ T với trái phát triển đều, thuận lợi chăm sóc, bón phân, kiểm soát tốt sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đốm nâu thông qua việc quản lý hiệu quả tán cây, giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng quả.
Hiện nay, hệ thống và nguồn lực thông tin thị trường còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời những diễn biến về giá cả sản phẩm, cung cầu hàng hóa… cung cấp kịp thời cho các nhà vườn, doanh nghiệp để đưa ra đề xuất một số khuyến cáo, chỉ đạo sản xuất và kinh doanh, đặc biệt đối với những thị trường mới, triển vọng.
Để năng suất ổn định, đạt hiệu quả cao, theo PGS-TS Mai Thành Phụng cần có đánh giá, dự báo cung cầu từng loại trái cây trên thị trường thế giới. Từ đó, tùy theo giống mà trồng vùng thích hợp. Rà soát, cải tiến quy trình canh tác; liên kết ngang: nông dân với HTX để bao tiêu sản phẩm. Tiến tới nền nông nghiệp thông minh 4.0, bao gồm tối ưu hóa về mặt kỹ thuật, quản lý, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu uy tín và website quảng bá, tiếp thị.
Song song đó, phát triển các kênh phân phối với nhiều địa phương trong cả nước, nhất là thị trường TPHCM và Hà Nội. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến để từ sản phẩm tươi thành sấy khô, sấy dẻo, nước ép, rượu vang, làm bánh, mứt, kẹo... nhằm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.