Ngày Nhà giáo năm nay, tôi lại nhớ đến các thầy cô đang đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức về âm nhạc cho đàn em đi sau. Đó là hai người bạn yêu quý của tôi, một người đứng lớp ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, người kia ở một trường trung học cơ sở.
1- Năm 1949, cậu bé Nguyễn Văn Nam mới 13 tuổi đã xin vào bộ đội, tham gia Tổ Quân nhạc Khu 8, rồi sang Đoàn Văn công Mặt trận Đồng Tháp Mười. Chơi manđô, ghita, hát, đóng kịch…, cậu ta làm tất. Năm 1954, tập kết ra Bắc, 1959 học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Thời gian này Nguyễn Văn Nam cho ra hai sáng tác đầu tay Bút chì xinh, ca khúc thiếu nhi và Biển đêm, hòa tấu cello và piano. Năm 1966, được cử đi học tại Nhạc viện Lêningrad, 1973 tốt nghiệp về nước. Năm 1974, lại được cử làm nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Lêningrad, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Sáng tác và Lý luận âm nhạc.
Sở trường của Nguyễn Văn Nam chính là sáng tác khí nhạc. Năm 1972, anh viết bản giao hưởng đầu tiên Tặng đồng bào miền Nam anh dũng. Từ đó đến nay, Nguyễn Văn Nam sáng tác tác thêm 7 bản giao hưởng nữa. Một con số đáng kinh ngạc! Không chỉ có giao hưởng, anh còn viết cả vũ kịch, nhạc thính phòng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật… Được hỏi hiện nay đang viết gì, anh cho biết sắp hoàn thành bản giao hưởng số 9 Cửu Long dậy sóng với khoảng 260 trang!
Phó Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Nam là một nhạc sĩ sáng tác có tài nhưng anh còn là một nhà giáo tâm huyết, tận tình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho lớp trẻ đi sau. Từ năm 1991 đến nay, Nguyễn Văn Nam tham gia giảng dạy bậc đại học và cao học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh nói với tôi: “Thầy Nguyễn Văn Nam rất nhiệt tình trong giảng dạy sáng tác, phối khí, lý luận… Nhiều học trò của thầy nay trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng, có những cán bộ đang giữ trọng trách về công tác văn hóa - văn nghệ ở thành phố và cả nước. Với thành tích đào tạo về âm nhạc, thầy đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của trung ương và thành phố…”.
2- Năm 1979, cô Phạm Thị Tuyến tốt nghiệp Trung cấp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Sau 4 năm hoạt động tự do như cộng tác với Nhà Văn hóa Thanh niên về âm nhạc, làm gia sư cho trẻ em, dạy xóa mù chữ cho người lớn tuổi…, cô được Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố tuyển làm giáo viên dạy nhạc.
Trải 28 năm qua các trường THCS Châu Văn Liêm, THCS Nguyễn Đức Cảnh, THCS Bình Tây, cô giáo Tuyến đem đến cho hàng ngàn học sinh thân yêu của mình kiến thức cơ bản về âm nhạc, niềm vui và hạnh phúc qua tiếng đàn, giọng hát, đến cả tình yêu quê hương, đất nước, mái trường, thầy cô, gia đình, cha mẹ… qua các ca khúc trong chương trình, giáo án. Tiết học nhạc do cô giáo Tuyến giảng dạy luôn luôn tạo cho học sinh niềm say mê, thích thú bằng các “trò chơi âm nhạc”, các câu chuyện kể, các videoclip với nhiều hình ảnh liên quan đến bài học nhạc.
Trong thời qua, cô giáo Tuyến đã đạt nhiều giải thưởng cao về thiết kế bài giảng trên máy tính bộ môn âm nhạc bậc THCS do Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức. Không những tập trung trí tuệ và công sức cho các tiết giảng dạy chính trên lớp, cô còn tham gia làm giáo viên mạng lưới âm nhạc của toàn quận và tổ chức các phong trào văn nghệ ca múa nhạc cho giáo viên và học sinh. Dưới sự hướng dẫn của cô, học sinh trong trường đã đạt nhiều giải trong các hội thi “Sử ca”, “Tiếng hát măng non”…
Và có lẽ niềm vinh dự đáng nhớ nhất của cô là cuối năm vừa qua, cô được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản. Điều đáng chú ý là trong 15 năm qua và trong số 450 người được tuyển chọn để trao giải, cô giáo Phạm Thị Tuyến là cô giáo dạy nhạc duy nhất tính đến nay, được tặng giải thưởng cao quý này.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục