Tiếng sóng bủa ghềnh

Tiếng sóng bủa ghềnh

“Tiếng sóng bủa ghềnh” (NXB Trẻ) là một cuốn sách khá đặc biệt. Đặc biệt ngay ở phần mở đầu, với lời giới thiệu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết vào ngày 2-9-2006 tức là lúc cuốn sách chỉ mới hoàn tất phần bản thảo. Lời giới thiệu ngắn gọn, đơn giản nhưng đã thể hiện đầy đặn tình cảm quý mến của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với dì Bảy Huệ, một người đồng chí, người chị thân thiết mà ông luôn kính trọng.

Tóm tắt về cuốn sách, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trong gia đình, chị là người mẹ, người chị tuyệt vời; đối với bạn bè, đồng chí, chị nhất mực quý mến. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, phụ nữ  Việt Nam”.

Điều đặc biệt thứ hai dĩ nhiên nằm ở chính tác giả, bà Ngô Thị Huệ, người bạn đời của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng thời là một trong những người có đóng góp to lớn đối với phong trào phụ nữ Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Nhan đề “Tiếng sóng bủa ghềnh” do chính tác giả yêu cầu giữ nguyên. Qua nhan đề cuốn hồi ký, tác giả muốn được chia sẻ cùng bạn đọc những sự kiện, biến cố, dấu ấn mà bản thân đã trải qua, có khi là chuyện cá nhân nhưng cũng có lúc gắn với gia đình, đồng đội, đồng chí, đồng bào… Tất cả được khắc họa trên một nền địa lý rộng khắp trải dài hầu hết các tỉnh Nam bộ và trong một khoảng thời gian đến gần một thế kỷ.

Với một không gian và thời gian rộng lớn như vậy, cuốn hồi ký đưa người đọc đi qua từng chặng đường của bà từ lúc còn là cô Ngô Thị Ngởi, người con gái thứ bảy trong một gia đình có tám người con ở  miền Tây Nam bộ. Tác giả đã ôn lại chuyện đời mình từ cái thuở theo chân gia đình đi khai hoang lập ấp ở xứ Mỹ Quới – Ba Xuyên (Sóc Trăng) – một “vùng đất ngập mặn, dày đặc cây đước, cây mắm, um tùm ô rô, cóc kèn, lau sậy cùng với đỉa, vắt, muỗi mòng và thú dữ…”  trong những năm đầu thế kỷ XX. Ở giai đoạn này, ấn tượng nhiều nhất với tác giả là hình ảnh người mẹ lặn lội tảo tần, chịu thương chịu khó, chấp nhận cuộc sống hiu quạnh để nuôi đàn con khôn lớn. Và cũng ở giai đoạn này, tác giả đã bắt đầu hình thành nên những suy nghĩ đau đáu cho thân phận hẩm hiu của người mẹ và nỗi đọa đày cơ cực của bà con xóm giềng.

Từ một thiếu nữ làng quê với những suy nghĩ chớm nở về mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, tác giả đã bắt đầu trưởng thành trong cái nôi cách mạng. Bước chân của bà in dấu khắp mảnh đất Nam bộ: Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp Mười; kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở Vĩnh Long, Bạc Liêu, Xứ ủy Nam Kỳ…; là chứng nhân trực tiếp của các mốc son lịch sử cách mạng của dân tộc: Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, Nam bộ kháng chiến năm 1945… Cuốn hồi ký không quá dài nhưng lại chứa đựng một phần cả lịch sử bi tráng và hào hùng của những người con Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ vừa qua.

Ở “Tiếng sóng bủa ghềnh”, bạn đọc không chỉ chứng kiến một đồng chí Bảy Huệ mạnh mẽ mà còn thấy được cả những phẩm chất tốt đẹp “đảm việc nước, giỏi việc nhà” của người phụ nữ Nam bộ nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung, trong quá khứ cũng như hiện tại. Đó là hình mẫu dì Bảy Huệ trong những năm tháng hoạt động cách mạng, bị bắt, bị giam cầm, tra khảo chết đi sống lại… nhưng vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cộng sản hay hình ảnh của cô Ngô Thị Ngởi tuổi đôi mươi, vì nợ nước đã hy sinh hạnh phúc của cá nhân….

Hồi ức “Tiếng sóng bủa ghềnh” được in thành hai tập, tập hai dự kiến sẽ ra mắt vào giữa năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 75 năm tuổi Đảng của tác giả.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục