
Người dân Thâm Khê (xã Hải Khê, Hải Lăng tỉnh Quảng Trị) thường không ai muốn rời làng. Cựu chiến binh Trần Đăng Thánh, Trưởng thôn Thâm Khê nói: “Làng ngót 700 tuổi. Bám làng thôi! Sống nơi cửa biển, không chi bằng ở yên”. Những đứa trẻ chưa lọt lòng mẹ dường như cũng thấm chung nỗi lòng người lớn. Trong trí nhớ nối từ đời này qua đời khác, Khe Sâu (Thâm Khê) là chỗ dừng chân cuối cùng của viên quan họ Trần vào đàng trong tìm nơi ở ẩn. Vùng đất hoang vu hợp lòng người, được đặt tên, lập làng. Thời gian hút vào kế mưu sinh. Phận người quăng quật như hạt cát, rơi vãi dần sự tích cũ nghề cũ của làng…
- Làng quê bên chân sóng

Phơi ruốc trên bãi biển.
Hôm đầu tiên về đây, anh Cần, Chủ tịch xã, cho biết: “Nghề quay tơ, dệt vải Thâm Khê có trước cả nghề biển”. Vậy mà đến Thâm Khê, tôi lại “chạm” với nghề biển trước khi biết về nghề dệt. Mặt trời sắp đứng bóng. Trên bãi biển, những doi cát phờ phạc hôm qua đã đông người quang gánh ngồi chờ. Phụ nữ cắp nách con nhỏ. Dư một ít thời gian, họ nói chuyện vặt, lưng quay vào làng, biển trước mặt. Gò cát nhấp nhô những cụm gai xương rồng.
Bãi biển sặc mùi nắng đến chát cổ họng. Lưới xanh bạc màu chất hàng đống dài, sờ ráp tay như thể trời càng nắng, muối biển bám trên bề mặt sợi gấc càng lờn ra. Ai đó bỗng la lên: Thuyền vào. Mấy đứa nhỏ tụt xuống khỏi chân mẹ. Người lớn mang theo thúng, mủng, quang gánh, tay nải bước về phía con thuyền đang nổ máy. Bác Hà Rô nói oang oang: “Biển năm nay được mùa cất ruốc. Sáng ra khơi, trưa về”. Phụ nữ khiêng ruốc ướt lên bãi. Bốn, năm người phơi vào một chỗ. Họ vãi từng nắm ruốc tươi xuống mặt cát đã cào sạch rác và vô số vết lõm của dấu chân để lại. Mặt cát nóng hình thành từng ô như
áo vá, có màu tím nhạt.
- Lách cách... tiếng thoi
Vào làng, tôi không tìm được người dệt vải. Anh Thánh đang ngồi se lưới, xua tay: “Bói cũng không ra”. 68 hộ dân Thâm Khê bây giờ nhà nào cũng dệt lưới. Trước dệt thủ công, tay gieo thoi, chân đạp cò. Khung cửi...đẫm mồ hôi! Ngày công đổ đầu người được 10 - 15 ngàn đồng. Chỉ đủ đong gạo bữa. Nghề quay tơ dệt vải hay dệt lưới, thảy đều lận đận kham khổ, chưa thấy ai giàu.

Khung dệt lưới.
Phận người lênh đênh trên biển, chỉ có tiếng thoi khung dệt (dù là dệt lưới) là có vẻ ổn định nên ai cũng cố giữ nghề, mong nghề truyền thống cha ông để lại không bị mai một, thất truyền. Làng đã quyết: nghề cũ, cách làm mới. Làm mới! Nghe sướng lỗ tai. Vợ chồng, cha con vắt óc tính kế. Phải mua máy mới. Nhưng đâu có dễ. Cả thôn cứ ngồi mơ... dệt máy.
Rồi cái gì đến, đã đến. Góp gió thành bão. Góp vốn thành...38 khung dệt gắn mô tơ điện. Mẫu mã Sài Gòn hẳn hoi. Xe chở máy về đến nhà mừng như vừa qua khỏi cửa ải. Dệt bằng máy, thu nhập gấp ba dệt tay. Anh Thánh khoe: “Có máy dệt, huy động sức cả nhà cũng thu được mỗi tháng 1 triệu đồng. Coi như qua một đận”.
Anh Cần, Chủ tịch xã Hải Khê, cho biết thêm: “Ba năm trước đây, nhờ có tiếng làng nghề truyền thống 400 năm, một tổ chức xã hội của Phần Lan đã tài trợ thêm 30 khung dệt máy, vốn 7 triệu đồng/cái. Hiện tại, 100% hộ gia đình trong xã đã có máy dệt. Lưới Thâm Khê rải khắp 7 tỉnh miền Trung, từ Phan Rang ra đến Thanh Hóa”. 68 hộ gia đình với 68 khung dệt, dệt lưới giả tè, giả ruốc (lưới đánh ruốc) cứ bình quân mỗi khung dệt 100 m lưới/ngày thì tính ra, một ngày dệt gần 7 cây số...lưới! Làng quê bên chân sóng ngày đêm lách cách tiếng thoi đưa.
Nắng trước hoàng hôn xòa xuống bãi biển. Bóng những cụm xương rồng méo mó trên nền cát. Phụ nữ làng chài ngồi gom ruốc trông xa như nông dân đang ngồi nhổ mạ. Thứ ruốc khô nắm trong tay tưởng như trấu vỡ. Con thuyền đánh ruốc nghỉ trưa không còn nằm trên bãi. Nó đi đánh cá đêm. Đi xa mấy hải lý? Chị ngồi gần tôi nói nước đôi: “Còn tùy. Tùy biển. Dệt lưới xong, gần sáng bọn tui sẽ ra bãi chờ thuyền. Trước mặt trời mọc”. Cuộc sống ngặt nghèo được đặt ở giữa: biển và khung dệt. Dễ chừng đã như thế ngót 700 năm. Biển làm cái kho chung, nghề dệt như của hồi môn, có thể giúp người Thâm Khê sống được. Không ai phải bỏ làng vì đứt bữa.
Từ phía cuối bãi, gần chục đứa trẻ ở trần, mặc quần xà lỏn đang túa ra ngoài mớn nước. Đứa ngồi, đứa nằm, chân hất ngược lên trời...
“Lưới đây, từ Thâm Khê
Lưới xanh, giăng giữa biển
Kéo dài khắp mọi biển
Lưới đây...”.
Thằng bé chân vòng kiềng hát. Cả bọn nhảy choi choi hùa theo. Mấy câu đồng dao tự biên cứ lặp đi lặp lại nơi cửa biển, đứt quãng, va vấp theo dấu chân trần của những đứa trẻ đang đùa nghịch trên cát. Có lẽ, nghề dệt lưới ngấm dần vào lũ trẻ. Làng Thâm Khê nay mải miết đi tìm chỗ dừng chân, những ước ao một ngày nào đó cuộc sống người dân có thể khấm khá nhờ nghề dệt lưới truyền thống của mình. Mong sao niềm tự hào của những đứa trẻ trong khúc đồng dao thành hiện thực.
LÊ MINH THẮNG