Ngư dân đánh bắt thủy sản tại ĐBSCL đang trong tình cảnh “sống dở chết dở” trước cơn bão giá xăng dầu. Những người có thâm niên hàng chục năm bám biển quả quyết họ đang khó khăn nhất từ trước đến nay. 2 đợt tăng liên tiếp vào cuối tháng 2 và tháng 3 vừa qua đã đẩy giá dầu từ 14.800 đồng lên đến 21.100 đồng/lít so với đầu năm 2011, kéo theo sự đội giá hàng loạt vật tư, dịch vụ nghề cá, tiền thuê ngư phủ…
Khảo sát mới nhất của ngành chức năng Kiên Giang (nơi có đội tàu đánh bắt hải sản hùng hậu nhất cả nước với 11.996 chiếc) cho thấy, chi phí phục vụ mỗi chuyến ra khơi của tàu cá tăng 40%. Trong khi ngư trường đang cạn kiệt, phải gồng gánh lượng tàu rất lớn, sản lượng đánh bắt có chiều hướng sụt giảm, giá cá chỉ tăng nhẹ 5% - 15%... nên không bù đắp nổi chi phí đầu vào, thu nhập không đủ sống, ngư phủ cũng đành bỏ việc tìm nghề khác…
Trước cảnh càng ra khơi càng lỗ, nhiều chủ tàu đành chọn giải pháp chẳng đặng đừng là nằm bờ chờ “trời yên biển lặng”. Nhiều ngày qua, hàng loạt các cửa sông, cửa biển, cảng cá ở các địa phương ven biển ĐBSCL, tàu cá nằm bờ ngày một đông. Đáng lo ngại hơn, khi gần đây xuất hiện thêm tình trạng tàu cá… “nằm biển”. Do chi phí gia tăng, cân đối thu chi không được nên các chủ tàu quyết định quăng neo dài ngày trên biển chờ đợi điều kiện thuận lợi nhất, gặp luồng cá lớn mới đánh bắt chứ không “cày” như trước. Nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ khẳng định: Lượng tàu nằm biển gấp nhiều lần số phương tiện nằm bờ…
Tuy nhiên, dù trong cơn bão giá nhiều ngư dân quyết tâm bám biển đã xoay xở để đưa tàu ra khơi. Các tổ liên kết tự hình thành theo nhóm cùng ngành nghề khai thác, xoay vòng phân công tàu chở tôm cá vào đất liền bán rồi mang dầu, vật tư nghề cá, nhu yếu phẩm trở lại ngư trường. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, nhỏ lẻ, tự phát với số lượng ít… Mặt khác, để tiết kiệm khoảng 20% - 30% nhiên liệu cho một chuyến biển, các tàu đánh bắt xa bờ cần thay mới hộp số, láp máy và chân vịt lớn hơn. Tuy nhiên, chi phí để lắp đặt trọn bộ lên đến 300 - 400 triệu đồng, ít chủ phương tiện xoay xở được.
Tình trạng tàu cá nằm bờ, nằm biển lâu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: hư hỏng, lãng phí lớn tiền của và công sức của người dân; phát sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội khi một lượng rất lớn ngư dân không có việc làm; mất cân đối cung - cầu thực phẩm hải sản dẫn đến biến động giá cả, tác động lớn đến đời sống người dân… Do vậy, rất cần sự chung tay tiếp sức để ngư dân tiếp tục bám biển, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả khai thác… Trước những khó khăn của ngư dân, ngành nông nghiệp các địa phương nhanh chóng chỉ đạo tổ thành lập các nhóm, đội tàu hỗ trợ lẫn nhau trong đánh bắt như: trao đổi thông tin về nguồn lợi, giá cả, cung ứng nhiên liệu, vật tư nghề cá, thu gom vận chuyển sản phẩm vào bờ…
Đặc biệt, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng có giải pháp cho các cơ sở cung ứng nhiên liệu, vật tư nghề cá, chủ vựa thu mua ký kết hợp đồng với chủ phương tiện đánh bắt để thực hiện tốt phương thức “gối đầu”; chấm dứt tình trạng các “đầu nậu” chèn ép giá hoặc tính lãi suất với ngư dân. Tập huấn, hướng dẫn ngư dân kỹ thuật, kinh nghiệm tìm kiếm ngư trường, bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng…
Ngoài ra, để hỗ trợ ngư dân, các ngân hàng thương mại cần cho vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi để ngư dân có điều kiện ra khơi. Bộ NN-PTNT tăng cường đàm phán với các nước trong khu vực để giảm thủ tục, mở rộng ngư trường đánh bắt. Sớm thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ hải sản trên vùng biển xa (theo Thông tư liên tịch số 11 của Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng). Nên có chính sách hỗ trợ chi phí cho tàu khai thác xa bờ ở những vùng biển còn lại của Việt Nam. Có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và chủ tàu khai thác hải sản…
Chỉ khi có sự quyết tâm của ngư dân, sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền và cơ quan chức năng trong lúc khó khăn này, ngư dân mới đủ sức bám biển, bám nghề.
Huy Phong