Tiếp sức lực lượng tuyến đầu

Hơn 100 ngày kể từ khi TPHCM bước vào làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 cũng là khoảng thời gian nhân viên y tế phải làm việc với cường độ chưa từng có. Sự nỗ lực, hy sinh của họ xứng đáng được cả xã hội trân trọng và ghi nhận. Đằng sau cuộc chiến cam go ấy, những chiến sĩ trên tuyến đầu rất cần được sự quan tâm, động viên đúng mức và kịp thời.
Điều trị cho bệnh nhân tại BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Điều trị cho bệnh nhân tại BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Còn nhiều thiệt thòi

50 ngày tham gia lực lượng tuyến đầu là trải nghiệm chưa từng có trong gần 10 năm hành nghề y của bác sĩ T.H.T., đang công tác tại một bệnh viện (BV) ở TP Thủ Đức. Anh kể, ban đầu, cũng như bao nhân viên y tế khác, anh T. đi chống dịch với tâm thế của một “chiến binh” và được phân công nhiệm vụ tại một khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. 50 ngày qua cũng là khoảng thời gian anh T. và các đồng đội chưa có được một ngày nghỉ bởi nơi anh công tác không còn nhân sự để xoay tua. Không nản lòng, anh và các đồng nghiệp vẫn tình nguyện cáng đáng bởi anh hiểu người bệnh đang cần mình. 

Thế nhưng, có nhiều vấn đề “hậu cần” nảy sinh khiến đội ngũ y bác sĩ đang kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần mà theo anh T. là phải xem lại, đó là việc nhân viên y tế nhiều khi phải ăn những suất cơm kém chất lượng. “Chúng tôi thường tìm thêm suất ăn bổ sung từ các nhà hảo tâm để có sức chiến đấu với số lượng bệnh nhân rất lớn tại đây. Thậm chí phải xin thêm trang bị bảo hộ, trang thiết bị để phục vụ người bệnh. Chúng tôi cần được trang bị đầy đủ vũ khí để chiến đấu”, anh T. bùi ngùi. 

Về chế độ đãi ngộ, thu nhập, anh H. (đồng nghiệp của T.) cho biết, đến giờ anh vẫn chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào ngoài khoản lương cứng mà BV chi trả hàng tháng cho anh. “Gần 2 tháng tham gia chống dịch nhưng tôi nhận được vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng. Với số tiền này tôi không thể lo cho gia đình, vợ tôi buộc phải gánh vác thay tôi mọi chi tiêu, sinh hoạt trong nhà”, anh H. cho hay. 

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết, hiện lực lượng chống dịch vẫn chưa nhận được các khoản trợ cấp từ thành phố. Chẳng hạn như gói “Triển khai chương trình động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19” hỗ trợ động viên hưởng một lần cho lực lượng tuyến đầu với mức hỗ trợ từ 1,5 - 10 triệu đồng/người, nhưng chỉ mới dừng ở bước... lên danh sách đề nghị. “Do ảnh hưởng của dịch, thu nhập của BV giảm sút, 100% nhân sự của BV đều phải bung ra để thực hiện nhiệm vụ chống dịch từ tiêm vaccine, lấy mẫu cộng đồng, điều trị tại khu cách ly, BV dã chiến... công việc vô cùng vất vả nhưng thu nhập giảm sút. Chúng tôi thường xuyên phải động viên anh em nhân viên y tế cố gắng làm việc vì tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết”, bác sĩ Khanh chia sẻ. 

TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu, cũng cho biết BV đang rất khó khăn khi lượng bệnh nhân giảm, nguồn thu giảm hơn 90% nhưng phải đảm bảo chi trả lương và một phần trợ cấp cho nhân viên y tế. Bác sĩ Hào tâm sự: “Chúng tôi cũng đang trông chờ vào các chính sách hỗ trợ và gói động viên tuyến đầu chống dịch nhưng đến nay chưa nhận được”.

Cần hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần

Hiện tại mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc và quản lý 140 - 150 bệnh nhân mắc Covid-19. Số lượng người bệnh quá lớn, khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút. Mỗi tua làm việc của bác sĩ và điều dưỡng thường từ 8 - 10 tiếng/ngày, trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Bên cạnh đó, bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu được điều động tăng cường. Một số BV không bù đủ nhân lực đã làm tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của họ. 

Việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập như phát cơm hộp, bởi khẩu vị không điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc vào cũng ảnh hưởng sức khỏe chống dịch. Ngoài ra, nhân viên y tế được phát cơm hộp tiêu chuẩn là 120.000 đồng/ngày nhưng nếu không may bị nhiễm bệnh, phải điều trị thì lại chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn của người bệnh 80.000 đồng/ngày... Từ thực tế trên, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM có sự điều chỉnh để hỗ trợ nhân viên y tế ở tuyến đầu. 

Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Chính phủ về chế độ trợ cấp trong phòng chống dịch. Theo đó, đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm và nghi mắc Covid-19, là 600.000 đồng/người/ngày. Nhóm nhân viên y tế tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu... tại cơ sở y tế, xử lý môi trường y tế được đề nghị tăng trợ cấp từ 300.000 đồng/người/ngày hiện tại lên mức 400.000 đồng/người/ngày. Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, vận chuyển người bệnh, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 tử vong, giám sát và theo dõi dịch tễ tại xã phường được đề nghị nâng trợ cấp từ 200.000 đồng/người/ngày lên 400.000 đồng/ngày. Đội vận chuyển cấp cứu 115 hiện đang nhận trợ cấp 150.000 đồng/người/ngày được đề nghị mức 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày.

Các nhóm đang được trợ cấp mức 130.000 đồng/người/ngày được đề nghị nâng lên 200.000 đồng/người/ngày. Nâng mức tiền ăn cho nhân viên y tế tham gia chống dịch từ 80.000 đồng/người/ngày hiện nay lên 150.000 đồng/người/ngày. Với học sinh, sinh viên tham gia chống dịch, Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ 190.000 đồng/người/ngày cho tiền ăn và sinh hoạt phí. 

Đối với các BV tự chủ tài chính nhưng hiện phải cử nhân viên y tế tham gia chống dịch, đề nghị ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, đồng thời trợ cấp độc hại cho nhân viên y tế. Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết đến nay đã có các gói hỗ trợ mua bảo hiểm cho y bác sĩ, hỗ trợ gói dinh dưỡng trị giá 1 triệu đồng/đợt cho nhân viên y tế phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, có trên 1.200 y bác sĩ bị mắc Covid-19 được hỗ trợ 10 triệu đồng/người.

Trong những chuyến đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã không ít lần xúc động trước sự hy sinh to lớn của nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện. Đặc biệt, khi nghe những khó khăn mà đội ngũ tuyến đầu đang gặp phải về ăn uống, sinh hoạt, điều kiện sống đến trang thiết bị vẫn còn nhiều thiếu thốn, Bí thư Thành ủy TPHCM động viên mọi người cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng chí chia sẻ: “Lực lượng tuyến đầu với những chiến sĩ dũng cảm chính là người chiến sĩ áo trắng, một lần nữa đã ra trận với tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm thậm chí cả sự hy sinh. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này lịch sử sẽ ghi nhận, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM trân trọng khắc ghi và biết ơn các chiến sĩ áo trắng”.

Tin cùng chuyên mục