Sản lượng khai thác hải sản liên tục tăng qua các năm đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, từng bước hiện thực hóa hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển. Dù điều kiện đánh bắt ngày càng khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập nhưng ngư dân nước ta vẫn can trường bám biển. Những con tàu ra khơi với lá cờ Tổ quốc tung bay trên mũi đi tới đâu là thể hiện chủ quyền đất nước, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Hiện có trên 128.000 chiếc tàu như thế từ vùng bãi ngang ven biển đến những vùng hải đảo xa xôi như Hoàng Sa - Trường Sa. Hơn 4.200 tổ, đội sản xuất với hơn 850.000 người như những chiến sĩ biên phòng canh giới vùng biển đảo thiêng liêng, là những “cột mốc” trên hải phận nước ta…
Bầu nhiệt huyết, can trường bám biển là vậy, nhưng gần như lâu nay lao động là ngư dân đánh bắt theo phương thức “cha truyền con nối”. Hầu hết đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng ít được đào tạo qua trường lớp chính quy, thiếu kiến thức cơ bản về sử dụng các thiết bị hàng hải, khai thác, thiếu kiến thức về luật hàng hải để có thể hoạt động khai thác ở những vùng biển xa.
Các cơ sở đóng, sửa tàu cá ở các địa phương chưa được quy hoạch, manh mún, quy mô cơ sở nhỏ, chủ yếu chỉ đóng tàu nhỏ vỏ gỗ theo mẫu và kinh nghiệm dân gian. Để khắc phục những khó khăn trong khai thác, ngư dân đã tự thành lập hàng ngàn tổ đội hợp tác khai thác kinh tế biển với hy vọng có thể hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất.
Những nghiệp đoàn nghề cá ra đời, trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường, giá cả, tham gia tìm kiếm cứu nạn… là những việc làm hết sức ý nghĩa, cần sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển mạnh hơn. Việc tổ chức luân phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ và tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để kéo dài thời gian bám biển còn giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác, đem lại lợi nhuận cao hơn cho ngư dân.
Tuy nhiên, hoạt động của các tổ hợp tác khai thác hải sản cũng vấp phải một số khó khăn. Các thành viên trong các tổ hợp tác thường không ổn định mà thay đổi nhiều lần trong năm, do tổ hợp tác không được đăng ký thành lập chính thức mà chỉ trên cơ sở thỏa thuận miệng giữa các chủ tàu và thuyền trưởng. Khi chủ tàu hoặc thuyền trưởng thay đổi thì thành viên trong tổ cũng thay đổi theo. Bên cạnh đó, dù đánh bắt trong “ao nhà” nhưng lại luôn bất an bởi những người “hàng xóm”, những “tàu lạ” khiến cho sản lượng khai thác không cao, có khi bị lấy mất trắng tài sản, uy hiếp đến tính mạng.
Để bảo vệ tính mạng và quyền hành nghề của ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, các chương trình như tấm lưới nghĩa tình, quỹ hỗ trợ ngư dân… đã động viên, khuyến khích ngư dân bám biển, khai thác kinh tế biển ngày càng hiệu quả.
Cuối tháng 7-2012, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ Đề án tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản, bao gồm: các cơ chế, chính sách tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá; xây dựng các chợ thủy sản đầu mối, ưu tiên xây dựng các chợ thủy sản đầu mối gắn với cảng cá; xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo quản sản phẩm khai thác hải sản bằng công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, 5 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cấp vùng (tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang) và 7 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo trọng điểm sẽ được xây dựng.
Đề án này là sự cụ thể hóa Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản”.
Trong giai đoạn 2012-2015, dự kiến 500 tỷ đồng sẽ được đầu tư thí điểm đổi mới đội tàu đánh cá ngừ tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa, gắn với xây dựng các mô hình tổ chức khai thác xa bờ. Mục tiêu của việc đóng tàu mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, nâng cao năng lực sản xuất chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo... Hy vọng với chương trình tiếp sức ngư dân bám biển, hiệu quả nghề cá nước ta ngày càng được nâng cao, xứng tầm với tiềm năng kinh tế quốc gia biển.
Hà Minh