Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội chiều 9-12, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Hồi sinh doanh nghiệp nhờ cổ phần hóa
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, khi bước vào tái cơ cấu, hầu hết các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Các tổng công ty này có hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ cao, vượt so với quy định, có doanh nghiệp lên đến 10 lần. Nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.
Chia sẻ về những khó khăn và bài học kinh nghiệm trong quá trình đổi mới, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, cái khó nhất là sắp xếp lại doanh nghiệp vì mỗi đầu mối liên quan đến hàng ngàn lao động. Vì chưa có tiền lệ, khi chuyển đổi doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giống như vừa thiết kế, vừa thi công khi phải tìm cách vừa thỏa mãn yêu cầu phát triển vừa giải quyết được tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của người lao động. Đại diện Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) cũng chia sẻ, cách đây 2 năm, Vinawaco còn trong tình cảnh hiểm nghèo với những khoản nợ khổng lồ, đơn kiện chồng chất, chỉ còn chờ ngày chính thức khai tử. Được cổ phần hóa (CPH) vào tháng 6-2014, nhà đầu tư chiến lược đã mua hơn 200 tỷ đồng vốn điều lệ và thực hiện một cuộc tái thiết mạnh mẽ theo hướng khẩn trương đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động, có khả năng hoàn thành được các dự án đúng tiến độ, chất lượng. Nhờ vậy, doanh nghiệp này đã dần phục hồi, trả hết nợ lương cho công nhân, lương mới tăng và trả đúng thời hạn.
Tương tự, nhờ đẩy mạnh việc tái cơ cấu, các doanh nghiệp đã từng là gánh nặng của ngành GTVT như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải đã có những thay đổi tích cực, giảm lỗ mạnh, thậm chí là có lãi nếu trừ chi phí tài chính. Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết, yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong công tác CPH là chọn được nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ, đủ năng lực, đủ uy tín để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, phát huy tối đa hiệu quả kinh doanh. Muốn vậy, trước khi CPH, các doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ thông tin, kiên trì trong quá trình đàm phán, khéo léo giải quyết những bất đồng về cơ chế, xung đột về lợi ích để tìm được nhà đầu tư đủ mạnh và có thiện chí để cùng phát triển.
Chứng minh được hiệu quả thì làm
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, tính đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành mục tiêu CPH doanh nghiệp nhà nước với việc CPH 137 doanh nghiệp, tăng thêm 67 doanh nghiệp so với kế hoạch được phê duyệt. Đến năm 2015, Bộ GTVT cũng hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp, trong đó có 12 tổng công ty, nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp số tiền 1.700 tỷ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV). Trong đó, có 16 tổng công ty lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam với tổng tài sản trên 57.000 tỷ đồng, Tổng công ty ACV tổng tài sản trên 40.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổng tài sản trên 17.000 tỷ đồng… Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, sau CPH, các doanh nghiệp đều có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan với doanh thu tăng bình quân 30%. Về công tác thoái vốn, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 113 doanh nghiệp, dự kiến đến hết quý 1-2016 sẽ hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Chính phủ coi việc tái cơ cấu, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước là khâu đột phá chiến lược trong nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới doanh nghiệp. Phó Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT đã nỗ lực đi đầu trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và đạt được những kết quả đáng khích lệ, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo thoái vốn tiếp nhà nước theo kế hoạch, tiếp tục thực hiện CPH những doanh nghiệp còn lại trong đó chú ý những doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC, rà soát những doanh nghiệp đã CPH nhưng tỷ lệ CPH chưa đạt yêu cầu, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp sau CPH bằng việc áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, tiếp tục sắp xếp lại hệ thống cảng biển…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bài học quan trọng rút ra trong quá trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp tại Bộ GTVT là cần sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo ngành, quyết tâm đổi mới của lãnh đạo các doanh nghiệp, bên cạnh đó cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện bài bản, các cơ quan tham mưu phải chủ động nghiên cứu, bám sát thực tiễn, đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ kịp thời các khó khăn. Những bài học kinh nghiệm trong quá trình đổi mới doanh nghiệp của Bộ GTVT cần được đúc kết để phổ biến rộng rãi. Về kiến nghị của Bộ GTVT trong việc CPH đồng loạt các doanh nghiệp sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục trong giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, đó là hướng đi đúng nhưng cần thận trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nếu chứng minh được hiệu quả thì Chính phủ hoàn toàn ủng hộ. Phó Thủ tướng cũng nhất trí sẽ nghiên cứu hoàn thiện hệ thống kiểm soát tài chính, kiểm soát dòng tiền của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhằm kiểm soát thất thoát, tham nhũng; hạn chế đến mức thấp nhất việc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước, công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con để tạo thuận lợi khi thực hiện CPH.
BÍCH QUYÊN