Trước mắt, thu phí sử dụng xe ô tô
Số lượng xe ô tô ở TPHCM đang phát triển với tốc độ khoảng 100 xe/ngày. Và đây là mối nguy rất lớn cho giao thông thành phố bởi ô tô chiếm diện tích nhiều hơn xe gắn máy. Nếu cần thiết phải thu phí sử dụng xe cá nhân để hạn chế xe lưu thông trên đường, chống ùn tắc giao thông thì theo tôi trước mắt nên tập trung thu của xe ô tô với mức thu sử dụng lên đến vài triệu đồng/năm; đăng ký mới vài chục triệu đồng cũng được. Những người sử dụng xe ô tô là những người có thu nhập cao trong xã hội, do vậy họ hoàn toàn có khả năng đóng số tiền này.
Xe gắn máy 2 bánh, hiện đang là phương tiện giao thông chiếm số đông là thành phố. Giảm được lượng xe này, tất nhiên sẽ góp phần tích cực vào giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do còn một bộ phận không nhỏ chủ của những chiếc xe này là người nghèo, nên trước mắt tạm chưa thu phí sử dụng xe của đối tượng đó. Thế nhưng, với những xe gắn máy 2 bánh phân khối lớn, trị giá từ 30 triệu đồng trở lên cũng sẽ phải đóng phí sử dụng. Chúng ta cứ làm từng bước với từng đối tượng cụ thể. Như thế sẽ hiệu quả hơn mà tránh làm xáo trộn xã hội. Giảm xe cá nhân là điều nên làm nhưng cần có lộ trình hợp lý.
MINH KHUÊ – Phú Nhuận
Mức phí: 2%-6% giá trị xe
Về tên gọi: Có lẽ ngắn gọn và đúng với mục đích của sự việc, nên chọn là phí kẹt xe (congestion charge) như các nước đang áp dụng. Thế nhưng để phù hợp với tình hình ở ta, chúng tôi đề nghị tên gọi đúng với bản chất hơn là “phí hạn chế xe cá nhân”, hoặc “phí sử dụng xe cá nhân”. Xe cá nhân được hiểu bao gồm cả xe hai bánh gắn máy và xe ô tô con (từ 9 chỗ trở lại) sử dụng cho mục đích cá nhân.
Hoặc nếu để hướng tới tương lai, với một mục đích tốt đẹp hơn mà cũng không có gì sai với bản chất cuối cùng của nó, ta có thể chọn tên là “phí môi trường- environment fee” vừa ngắn gọn, vừa văn minh lịch sự.
Phạm vi và đối tượng áp dụng
Ở các nước phát triển, chủ yếu nguồn thu áp vào đối tượng xe ô tô nói chung. Trái lại, ở ta do cơ cấu phương tiện có tỷ lệ ngược lại, xe máy chiếm đến trên 90%, nên mở rộng cho đối tượng xe gắn máy hai bánh.
Phương thức thu
Đối với các quốc gia tiên tiến, họ dùng công cụ điện tử infra red technology để quản lý, bằng cách sử dụng camera ghi lại biển số phương tiện ra vào khu vực thu phí (chính xác đến 90%). Lái xe có thể trả tiền phí thông qua nhiều cách khá thuận lợi như qua web (bằng SMS text message) hoặc thông qua các cửa hàng (được trang bị điểm trả - a paypoint) hay qua điện thoại…
Ở thành phố ta, do còn nhiều khó khăn nên chúng ta vận dụng thu phí qua hệ thống bộ máy chính quyền phường-xã, theo chúng tôi vừa chính xác, vừa đạt hiệu quả cao với điều kiện mức hoa hồng phí phải đủ cho họ thuê người và trang trải những khoản chi phí tối thiểu.
Mức phạt
Theo chúng tôi nên chọn mức phạt gấp hai lần; còn đối với những trường hợp “chây lỳ” ta có thể tăng thêm 1 lần nữa tức 3 lần là phù hợp.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên có một cái nhìn toàn diện và thực tế hơn về vấn đề này như một chuyên gia ở Hồng Công viết trên China Daily: “Phí kẹt xe cần có một cách nhìn mới - Congestion charge needs fresh look”. Hay nói theo Nazim Hitmet: “Nếu tôi không cháy lên/nếu anh không cháy lên/thì làm sao/bóng tối có thể trở thành ánh sáng!”.
LÊ TRUNG TÍNH
Mức thu
Chúng tôi đề nghị mức như sau:
Loại xe | Xe đang lưu hành | Xe đăng ký mới | ||
Mức thu(đ/xe/năm) | % so giá trị bình quân | Mức thu/lần đăng ký | % so giá trị bình quân | |
Xe ô tô con < 10 chỗ Xe gắn máy dưới 50 cc Xe gắn máy từ 50- <175cc Xe gắn máy > 175 cc | 10.000.000 200.000 500.000 3.000.000 | 3,33 2,00 2,50 6,00 | 15.000.000 400.000 1.000.000 6.000.000 | 3,00 2,67 3,33 6,00 |
Với mức thu này, chỉ chiếm từ 2-6% trị giá bình quân của từng loại xe (đối với xe đang lưu hành) và 2,67-6% (đối với xe mới) nên có thể chấp nhận được và có tác dụng giảm ngay số lượng xe lưu hành trên đường phố.