Giải thưởng Doanh nghiệp xanh do UBND TPHCM chủ trì, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Báo SGGP triển khai thực hiện. Mục đích nhằm tôn vinh những doanh nghiệp (DN) có nhiều đóng góp, thành tích tốt trong công tác bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng. Ngày 20-7, ban tổ chức sẽ chốt lại việc tiếp nhận hồ sơ với các DN sẽ được chứng nhận doanh nghiệp xanh 2012.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường của TPHCM, cho biết, được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Giải thưởng Doanh nghiệp Xanh năm nay được kỳ vọng sẽ tăng số lượng DN đạt chứng nhận. Bởi lẽ, ban tổ chức đã mở rộng quy mô tham gia cho nhiều đối tượng DN. Năm nay, về đối tượng tham gia không giới hạn, là DN hoạt động trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ…
Hơn nữa, tiêu chí xét chọn cũng được phân định rõ cho DN có vốn đầu tư nước ngoài hay DN lớn, vừa, nhỏ và rất nhỏ. Cụ thể, với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có quy mô sản xuất lớn, tiêu chí xét chọn sẽ khắt khe hơn với yêu cầu như: có xây dựng chiến lược, kế hoạch về sản xuất, kinh doanh gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường; có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép. Đồng thời, phải có hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại theo đúng quy định; có nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường; có áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn và có bộ phận chuyên trách và tham gia tích cực vào hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Riêng với những DN có quy mô sản xuất vừa, nhỏ và rất nhỏ, tiêu chí chỉ yêu cầu đơn giản là có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép; có hợp đồng chuyển giao chất thải theo đúng quy định; có cán bộ phụ trách về môi trường và không bị cộng đồng dân cư khiếu kiện (thời hạn trong vòng 1 năm).
Có thể nói, phát triển nhanh, bền vững đang là quyết sách mà nhà nước đang thực hiện. Tuy nhiên, để tạo nên hiệu quả của quyết sách này có vai trò rất lớn của DN. Ngày càng có nhiều DN xanh hình thành cũng đồng nghĩa với việc môi trường sống của Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Thực tế, hiện vẫn còn khá nhiều DN gây ô nhiễm môi trường. Thống kê từ Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vẫn còn hơn 60% số khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hàng ngàn DN trên khắp cả nước vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng chỉ mang tính chất đối phó. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là phần lớn sông ngòi, kênh rạch tại các tỉnh thành, nhất là những tỉnh, thành phố lớn có mức độ tập trung nhà máy sản xuất cao như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội… đều ở trong tình trạng ô nhiễm nặng, rất khó cải tạo phục hồi. Nghịch lý khác là những DN đen này lại luôn có sức cạnh tranh cao do ăn gian vào chi phí môi trường và cho ra thị trường sản phẩm có giá cả mềm hơn.
Kinh nghiệm từ chuyên gia môi trường tại Nhật Bản, Hà Lan và Tây Ban Nha cho thấy, cần thiết phải tách rõ đâu là DN đang thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và đâu là DN đen. Từ đó, xây dựng những chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng cho Doanh nghiệp Xanh. Ngược lại, cần bài xích sản phẩm của DN đen. Và việc chứng nhận Doanh nghiệp Xanh mà UBND TPHCM đang làm nhằm mục đích đó. Tạo động lực khuyến khích DN ngày càng chấp hành tốt hơn Luật Bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng.
MINH XUÂN