Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong vòng một giờ đồng hồ thực hiện “Giờ Trái đất” năm 2011, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 26-3 đã giảm công suất của hệ thống điện được 400MW, với điện năng tiết kiệm được 400.000kWh, tương đương khoảng 500 triệu đồng. Đó là con số rất ấn tượng, nhất là trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay. Nếu như mỗi ngày, mỗi nhà, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nêu cao ý thức tiết kiệm điện lúc nghỉ trưa, hoặc tắt nguồn điện khi tạm nghỉ giải lao giữa ca, lúc đi ra khỏi nhà… sẽ tiết giảm lượng điện tiêu thụ rất lớn.
Ngẫm lại con số trên, thấy chủ trương tiết kiệm điện do UBND TPHCM đưa ra cách đây 1 tháng (Chỉ thị về tiết kiệm điện số 06/2011-CT-UBND ngày 28-2-2011) là rất có ý nghĩa. Việc tiết kiệm điện được chỉ thị nêu rõ là rất cần thiết, trên bình diện rộng, từ các cơ quan nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở kinh doanh đến từng hộ gia đình, phải được mọi người ý thức thực hiện triệt để.
Đó là những việc làm cụ thể, từ việc xây dựng định mức tiết kiệm điện, sử dụng điện hàng năm, tháng, đến việc thay thế các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, thay thế các bóng đèn tiêu thụ nhiều năng lượng bằng những bóng đén compact tiêu thụ điện ít hơn, từ đèn trong nhà đến đèn chiếu sáng ngoài đường… Đó cả là một “chiến dịch” tiết kiệm điện.
Không phải đến bây giờ chủ trương tiết kiệm điện mới được triển khai sâu rộng, mà từ nhiều năm qua, các biện pháp nhằm tiết giảm lượng điện tiêu thụ đã và đang được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình hưởng ứng, nhằm đạt được hiệu quả có lợi cho chính người sử dụng điện. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã đổi mới thiết bị, công nghệ tiêu thụ ít năng lượng. Các DN sản xuất máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… đã sử dụng công nghệ mới inverter giảm mức tiêu hao điện. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng máy đun nước nóng năng lượng mặt trời. Nhiều quận huyện đã thay bóng đén cao áp chiếu sáng đường hẻm bằng bóng compact. Theo ngành điện cho biết, đã có 4 triệu bóng đèn compact được thay thế cho các bóng đèn kiểu cũ. Những thay đổi ấy rất đáng chú ý, cho thấy chủ trương tiết kiệm điện là đúng đắn và có chiều sâu.
Tuy nhiên, công bằng nhìn lại, vẫn có không ít cửa hàng dịch vụ, điểm kinh doanh sử dụng điện rất lãng phí. Nhiều cửa hàng chỉ có 40m², nhưng có 50 - 60 bóng đèn compact chiếu sáng. Nhiều biển quảng cáo vẫn sáng rực thâu đêm, nhiều sân tennis không có người chơi vẫn để đèn. Và cũng phải nhìn nhận còn rất nhiều cơ sở cán thép thủ công sử dụng thiết bị cũ tiêu thụ rất nhiều điện, nhiều máy khoan, máy dập, máy mài có tuổi đời trên dưới 30 năm. Những thiết bị cũ kỹ ấy là nguyên nhân không nhỏ làm tiêu hao nhiều năng lượng.
Chủ trương tiết kiệm điện giờ đây là chiến lược, là giải pháp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội biết tiết kiệm năng lượng, biết tiết kiệm tài nguyên, là giảm chi tiền của… Cần thiết, phải hy sinh lợi ích riêng của các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất cũ, tiêu thụ nhiều điện cho các nhà máy, xí nghiệp có công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, tạo ra giá trị sản phẩm cao. Mỗi nhà máy khi đầu tư mới, cần thiết phải được trang bị công nghệ tiết kiệm năng lượng, trang bị vật tư giảm nhiệt. Mỗi công trình xây dựng mới phải được thông qua đề án “xanh”, là những tòa nhà có các thiết bị sản xuất điện tại chỗ, tiết kiệm điện khi sử dụng. Những con đường khi xây dựng phải tính đến việc sử dụng công nghệ chiếu sáng làn đường, mặt đường bằng thiết bị mới tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Từ chủ trương, biện pháp, đến từng hành động cụ thể tiết kiệm điện, là ý thức cần được xây dựng cho mỗi người, mỗi cơ quan, nhà máy, mỗi doanh nghiệp để việc tiết kiệm năng lượng trở thành tiêu chí cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày. Tiết kiệm điện phải trở thành tiêu chí chung, như là một tiêu chuẩn đánh giá sự thành công cho mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan và là nếp sống văn hóa cho mỗi gia đình.
Thăng Long