Tiết kiệm lương thực để nâng chất môi trường

Thống kê của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho thấy, khoảng hơn 1/3 thực phẩm trên toàn thế giới bị mất mát, lãng phí.

Thống kê của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho thấy, khoảng hơn 1/3 thực phẩm trên toàn thế giới bị mất mát, lãng phí.

Chẳng hạn tại Bắc Mỹ, khoảng 61% khối lượng lương thực bị mất mát trong giai đoạn tiêu thụ. Ngoài lý do khâu bảo quản kém, thì ý thức của người dân cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát này. Ở các nước như Vương quốc Anh, Mỹ, trung bình mỗi gia đình 4 người làm lãng phí hàng ngàn USD tiền mua thực phẩm mà không dùng đến. Từ sự lãng phí trên đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, năng lượng, tài nguyên đất đai…

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về nghịch lý đang diễn ra, nhất là ở các quốc gia phát triển trên thế giới, thể hiện khá rõ ở chỗ đang có hàng triệu người rơi vào cảnh đói, không có cái ăn trong khi có những người mua đồ chất đống trong tủ lạnh rồi đem vứt bỏ. Tất nhiên, sẽ có ý kiến phản biện cho rằng, thế giới không có chuyện cào bằng, “tôi có quyền quyết định dùng hoặc vứt bỏ sản phẩm mình mua”. Thế nhưng, mỗi người dân sinh sống trên trái đất này đều có mối tương quan chặt chẽ với môi trường sống. Không ai có thể tách rời môi trường này để sống đơn lẻ mà không chịu ảnh hưởng, sự tác động qua lại lẫn nhau. Đây chính là vấn đề mấu chốt. Do vậy, các chuyên gia kinh tế và môi trường đã nhiều lần ngồi lại cùng nhau, liên tục đưa ra hàng loạt cảnh báo trong việc tiết kiệm, sử dụng, tiêu thụ lương thực một cách có trách nhiệm. Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm cho kinh tế từng hộ gia đình mà xa hơn, đó cũng là sự tiết kiệm cho nền kinh tế quốc gia; góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đầu vào, bảo vệ môi trường của hành tinh này.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ về sự lãng phí của người tiêu dùng nước ta, nhưng ghi nhận thực tế sơ bộ tại một số nhà hàng, quán ăn của Việt Nam dễ thấy, tình trạng ăn uống kiểu bỏ dư diễn ra khá phổ biến. Bởi đa phần người dân Việt có tâm lý, để thừa đồ ăn mới là lịch sự, thể hiện sự dư dả, sung túc. Xuất phát từ lý do này, lượng thức ăn dư thừa, đặc biệt ở các nhà hàng, quán ăn tại các đô thị lớn của nước ta bỏ phí mỗi ngày chắc hẳn không nhỏ. Bùi Quân Tuấn, một nhân viên phụ trách mảng bếp tại một nhà hàng chuyên về hải sản tươi sống tại quận 3, TPHCM, chia sẻ: “Nhà hàng chúng tôi chuyên bán các loại hải sản cao cấp, giá vài triệu đồng/kg. Chẳng hạn, con tôm hùm cỡ lớn có giá gần chục triệu đồng mà khách vẫn ăn ào ào. Các loại tôm, cá bình thường cũng giá bạc triệu. Thế nhưng, sau mỗi bữa ăn, thực phẩm thừa mứa khá nhiều, thường bị bỏ lại từ 20%-30%”. Còn Nguyễn Thị Ánh Mai, nhân viên phục vụ tiệc cưới tại một trung tâm tiệc cưới lớn thuộc quận Tân Phú, TPHCM, nhận xét: “Thực phẩm thừa sau mỗi bữa tiệc cưới, thôi nôi, tân gia… thực sự không nhỏ. Có những mâm chỉ vài khách ngồi, đồ ăn thừa mứa cuối tiệc phải đổ bỏ để giữ thương hiệu cho nhà hàng, mặc dù nhiều món chưa chạm đũa vào. Nếu chủ tiệc cẩn trọng, cân nhắc hơn trước khi đặt tiệc có lẽ sẽ không tạo ra sự lãng phí như vậy”.

Trước thực trạng lãng phí nguồn lương thực này, thế giới đã từng có nhiều chiến dịch, chẳng hạn như “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”; “Nghĩ  - Ăn - Tiết kiệm”…  Ở Việt Nam, có các chương trình kêu gọi người dân sử dụng thực phẩm bỏ đi làm phân bón hữu cơ trong quá trình canh tác rau sạch; phân loại rác thải tại nguồn; mô hình khu dân cư không rác… Các chiến dịch nâng cao ý thức của người dân đã và đang góp phần cảnh tỉnh việc sử dụng lương thực của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Trên thực tế, đối với các gia đình có điều kiện ở những thành phố thuộc các đô thị lớn, việc bỏ phí đồ ăn hầu như không ảnh hưởng gì đến kinh tế của họ. Nhưng nếu nhân rộng ra phạm vi thế giới, hàng loạt người đồng loạt lãng phí sẽ tạo ra sự phí phạm không nhỏ. Việc sử dụng lương thực có trách nhiệm đối với mỗi cá nhân sẽ góp phần rất lớn trong quá trình tái tạo, bảo vệ môi trường sống của hành tinh chúng ta.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục