Tiết kiệm vì môi trường

Tiết kiệm vì môi trường

Môi trường sống của Trái đất đã và đang bị đe dọa từng ngày. Hậu quả thì ai cũng cảm nhận được: biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, thiên tai… Thế nhưng, để có những hành động thật cụ thể, thiết thực giúp bảo vệ, cải thiện môi trường sống thì chưa hẳn người nào cũng biết. Thậm chí có ý kiến tỏ ra hoài nghi, lo ngại về các chương trình kêu gọi tiết kiệm vì cộng đồng, vì môi trường. Vậy cách thức triển khai ra sao?

Trước hết, đối với việc ăn uống hàng ngày, mỗi người cũng nên lưu tâm. Tránh bỏ mứa, lãng phí cũng là hình thức bảo vệ môi trường đầy thiết thực. Cô Nguyễn Thị Lệ, giáo viên ngụ đường Tô Ký, quận 12, TPHCM, góp ý: “Đối với các em học sinh, hướng các em tiết kiệm để bảo vệ môi trường khá dễ thực hiện, nhưng yêu cầu người lớn phải làm gương. Chẳng hạn như, thay vì vứt bỏ vỏ chai sau khi uống nước, các em có thể tiếp tục sử dụng vỏ chai làm dụng cụ trữ nước cho những lần uống sau. Kéo dài vòng đời của sản phẩm cũng là cách để bảo vệ môi trường sống. Thêm nữa, hạn chế sử dụng tô, đĩa dùng 1 lần bằng cách sử dụng tô, chén thủy tinh, gốm sứ có sẵn, dùng giỏ nhựa đựng đồ đi chợ thay vì dùng túi ni lông đựng hàng hóa. Mục tiêu vừa đảm bảo sức khỏe, vừa nâng tuổi thọ môi trường”.

Người dân TPHCM tham quan mô hình mảng xanh thẳng đứng tại một hội chợ. Ảnh: GIA HÂN

Kỹ sư Mai Văn Lọ, ngụ đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM), đưa ra quan điểm: “Tiết kiệm khác với keo kiệt, bủn xỉn. Người tiết kiệm biết đắn đo, nhìn trước ngó sau và biết cách chi tiêu sao cho phù hợp. Ví dụ, một gia đình nọ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, cứ vài giờ thức dậy chỉnh máy lạnh một lần để tiết kiệm điện. Thế nhưng, đó là kiểu làm cứng nhắc. Theo tôi, nên chọn mua máy hiệu suất cao, cài đặt nhiệt độ và chế độ quạt để ít tốn tiền điện hơn. Mọi người cũng nên chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và môi trường sống bằng cách đi bộ, chạy bộ, thay vì cứ vài cây số lại leo ngay lên mô tô hoặc xe hơi”.

Đáng lưu ý, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, tỷ lệ mảng xanh bình quân trên đầu người còn rất thấp. Sống trong những ngôi nhà bê tông cốt thép, thiếu mảng xanh thường có cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Thế nhưng, trong bối cảnh không gian dành cho trồng mảng xanh đang thiếu trầm trọng, không ít chủ đầu tư các khu nhà cao tầng lại dành quỹ đất “nhỏ giọt” cho việc xây công viên, vườn hoa… Hầu hết diện tích được chủ đầu tư tận dụng tối đa cho việc xây công trình. Chính vì vậy, bài toán kiến tạo những mảng xanh thẳng đứng đã được áp dụng tại nhiều quán cà phê, khu nhà cao tầng. Đó cũng là biện pháp bảo vệ môi trường thực tế, hiệu quả mà nhiều bạn trẻ TPHCM đã và đang triển khai áp dụng.

Thực sự, với quyết tâm bảo vệ môi trường sống, mỗi người sẽ biết cách chủ động tiết kiệm. Nhưng tất cả những thói quen có lợi, khoa học không tự nhiên có được mà cần phải rèn giũa, trau dồi qua thời gian. Trong đó, môi trường giáo dục của mỗi gia đình thường có ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành của con trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Lệ hy vọng rằng, những năm sau này, thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước sẽ có những hành động cụ thể, thiết thực, thông minh nhất để mở lối cho việc dần phục hồi môi trường sống trong lành. Bằng chứng, trên thế giới đã và đang có khá nhiều quốc gia sạch - xanh nhờ sự tích cực, chuyên tâm chăm chút của chính quyền cũng như sự chung tay, nỗ lực góp sức của người dân địa phương. Trong đó, đảo quốc Singapore chính là một trong những ví dụ điển hình.

NGỌC TRUNG

Tin cùng chuyên mục