Tiêu chảy cấp: Cần bù nước điện giải

Dịch tả trong lịch sử thế giới
Tiêu chảy cấp: Cần bù nước điện giải

Bộ Y tế đã công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguy cơ lan rộng. Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị, việc mọi người biết cách bù nước điện giải cho bệnh nhân, nhất là trẻ em, là điều vô cùng cần thiết.

  • Những điều cần biết để săn sóc ban đầu cho bệnh nhân
Tiêu chảy cấp: Cần bù nước điện giải ảnh 1

Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cấp mà nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm, nhất là thực phẩm sống, đặc biệt là mắm tôm, các loại hải sản, thực phẩm chưa được nấu chín dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn, siêu vi khuẩn hoặc ký sinh trùng như giun, sán gây nên.

Ngoài việc cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế điều trị, người nhà cần có những bước săn sóc ban đầu:

Bù nước

Tình trạng nguy hiểm khi bị tiêu chảy là kiệt nước, càng đi tiêu nhiều lần (4 đến 10 lần trong ngày) thì lượng nước sinh lý trong cơ thể mất đi càng nhiều kèm theo những dấu hiệu như sút cân, tiểu ít, miệng khô, mắt lõm, da không còn căng và kém đàn hồi, ngủ không yên, cáu gắt. Vì thế cần phải bù ngay lượng nước đã mất, thay vì để tình trạng kiệt nước xảy ra khiến sức khỏe khó hồi phục, nhất là khi có kèm theo nôn mửa.

Cách sử dụng gói Oresol

Oresol là gói bột trắng có chứa muối natri, muối kali và đường glucoz. Khi dùng mới mở ra, hòa tan gói Oresol trong một lít nước đun sôi để nguội và cho uống liên tục trong ngày để bù nước và các chất điện giải trong dung dịch sinh lý của cơ thể bị mất đi khi bị tiêu chảy.

Nhiều gia đình ở miền quê, xa nơi bán thuốc, gặp lúc đêm hôm người nhà bị tiêu chảy nặng, có thể tự chế lấy dung dịch bù nước bằng cách pha vào trong một lít nước đun sôi để nguội một muỗng cà phê gạt muối ăn với 8 muỗng cà phê gạt đường cát (hoặc 8 muỗng cà phê gạt mật ong). Sau mỗi lần đi tiêu chảy thì cho người bệnh uống một tách dung dịch đã pha.

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng

Khi bị tiêu chảy, cần phải cho bệnh nhân ăn những thức ăn giàu đạm, nấu chín như thịt, cá, đậu, lòng đỏ trứng, hạt ngũ cốc, khoai tây, chuối chín; không nên ăn thức ăn có mỡ hay xào nấu với mỡ.

Dùng thuốc điều trị tiêu chảy

Việc dùng thuốc sẽ tùy thuộc phác độ điều trị của ngành y tế và tùy thuộc nguyên nhân gây tiêu chảy, trong đó bao gồm các loại kháng sinh mạnh chống nhiễm khuẩn đường ruột như Azithromycine; các kháng sinh thuộc nhóm Quinolone như Ofloxacine, Levofloxacine… cùng các loại dịch truyền để cung cấp nhanh lượng nước sinh lý mất đi.

Bên cạnh đó còn có các loại thuốc thông thường có thể dùng phối hợp như:
- Nhóm vi khuẩn hữu ích ở đường ruột: thường là các sản phẩm chuyển hóa của vi khuẩn Lactobacillus acidophilus đã được làm chết và đông khô như Lacteol fort, Antibio, Subtilac, Sublivina, Biolactyl, Ultra-Levure...
- Nhóm bảo vệ niêm mạc đường ruột: Actapulgite, Smecta, Sacolène...
- Nhóm sát trùng đường ruột: Ercefuryl, Ricridène, Panfurex...

  • Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp

Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo 4 khuyến cáo của ngành y tế:
1- Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
2- Tăng cường vệ sinh thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không ăn thức ăn dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là mắm tôm, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.
3- Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.
4- Khi có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo cáo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

DS TRƯƠNG TẤT THỌ 

Dịch tả trong lịch sử thế giới

- Thế giới đã trải qua 7 trận đại dịch tả lớn trong vòng 200 năm qua. Trận đại dịch đầu tiên diễn ra vào năm 1817-1821 tại Ấn Độ với các biểu hiện bệnh: nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết, mạch đập yếu, cảm giác lạnh và tử vong nhanh. Trận dịch này sau đó lan tới nước Nga, châu Âu rồi Bắc Mỹ, trở thành căn bệnh đầu tiên mang tính toàn cầu của nhân loại.

- Năm 1832, tại Pháp, 40.000 người dân Paris mắc dịch tả và phân nửa trong số này tử vong. Trận dịch vào năm 1848-1849, số lượng người tương tự chết vì bệnh này.

- Cũng trong 2 năm 1848-1849, gần 70.000 người Anh bị chết vì bệnh này.

- Cơn đại dịch tả thứ 5 xảy ra tại London (Anh) vào năm 1854 cướp đi sinh mạng 1/8 dân số của TP này (thời kỳ đó, London có 2,5 triệu người). Trung bình 500 người chết/tuần lễ.

- Cơn đại dịch tả năm 1991 tại Peru lan nhanh sang các nước Trung-Nam Mỹ khiến gần 50.000 người nhiễm bệnh, trong đó có 10.000 người tử vong.

- Đại dịch tả còn diễn ra vào 1892 tại Hamburg.

- Ngoài ra, hôm 21-9, Tổ chức WHO xác nhận có ít nhất 1.500 người tại Iraq đang mắc dịch tả, hiện bệnh này đang lây lan ở Baghdad.

- Theo tài liệu, trường hợp bệnh tả được ghi nhận lần đầu tiên trong y văn thế giới vào năm 1563 tại Ấn Độ. Năm 1849, y học thế giới nhận định: dịch tả lây lan qua nguồn nước (trước đó, người ta lầm tưởng nó lây lan qua đường hô hấp). Năm 1883, bác sĩ người Đức Heinrich Hermann Robert Koch (1843-1910) phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh tả vibrio cholerae (vi khuẩn hình dấu phẩy), tạo nền móng cho việc kiểm soát dịch tả thế giới.

- Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, có 5 bệnh mà chỉ cần 1 ca duy nhất được chẩn đoán thì phải công bố dịch, đó là: dịch tả, SARS, bại liệt, dịch hạch và sốt vàng châu Phi.

PV. (tổng hợp) 

Măng cụt, ổi
Hoa quả hỗ trợ trong mùa tiêu chảy cấp

  • Măng cụt

Măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana, họ Clusiaceae, là cây nhiệt đới rất quen thuộc tại Đông Nam Á. Tác dụng bổ dưỡng của măng cụt nằm trong ruột trắng ngà nhưng tác dụng trị bệnh lại có nhiều ở phần vỏ quả với các hoạt chất mangostin, a-mangostin, b-mangostin, g-mangosrin, isomangostin…

Tác dụng dược lý

-Trị tiêu chảy: Người Malaysia, Philippines, dùng nước sắc vỏ măng cụt để trị bệnh lỵ, đau bụng, đi tiêu lỏng. Theo đông y, vỏ quả măng cụt có vị chua chát, tính bình, dùng trị tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Khi bệnh thuyên giảm thì ngưng dùng vì dùng lâu sinh táo bón.

Cách dùng: Vò quả măng cụt khô 60g cho vào 1.200ml nước đun sôi, sắc cạn còn một nửa, ngày uống 2 lần. Theo GS Đỗ Tất Lợi, vỏ măng cụt  dùng chữa đau bụng đi tiêu lỏng, chữa lỵ bằng cách cho chừng 10 vỏ quả măng cụt vào nồi đất hay nồi đồng (tránh dùng nồi sắt hay nồi tôn), thêm nước cho ngập rồi đun sôi trong 15 phút. Ngày uống 3-4 chén to.

  • Ổi

Ổi tên khoa học là Psidium guajava, có nguồn gốc từ Brasil, rất quen thuộc trong cuộc sống. Ngoài việc dùng để ăn, nhiều bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, vỏ rễ, vỏ thân còn được dùng làm thuốc theo y học cổ truyền.

Tác dụng dược lý

Quả và lá chứa các chất sitosterol, quercetin, leucocyanidin, avicularin; lá chứa các hoạt chất bay hơi như eugenol; quả chín chứa nhiều vitamin C và các loại đường như Fructose, glucose, rhamnose, galactose. Các dịch chiết từ các bộ phận của cây ổi đều có khả năng kháng khuẩn, cầm tiêu chảy.

Theo Th.S Hoàng Khánh Toàn, trong Đông y có nhiều bài thuốc trị tiêu chảy bằng ổi như búp ổi 12g, vỏ độp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g sắc với 200ml nước, cô lại còn 100ml. Trẻ 2-5 tuổi mỗi lần uống 5-10ml, cách 2 giờ uống một lần. Người lớn mỗi lần uống 20-30ml, ngày 2-3 lần.

THÙY TRANG (tổng hợp) 

Tin cùng chuyên mục