Tiêu chí túi ni lông thân thiện môi trường: Chưa thuyết phục

Liên quan đến việc áp mức thuế 150% – 200% đối với túi ni lông, Báo SGGP đã có nhiều bài viết phản ánh tính bất hợp lý của việc thực hiện chính sách thuế này. Bộ Công thương và Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã có công văn gửi Bộ TN-MT đề nghị xem xét lại việc thu thuế trên. Trong đó, yêu cầu Bộ TN-MT cần sớm ban hành tiêu chí đối với bao bì tự hủy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) nhựa định hướng chuyển đổi sản xuất trước khi áp dụng mức thuế này. Xuất phát từ thực tế, Bộ TN-MT vừa đưa ra dự thảo về tiêu chí đối với loại túi này.

Khắt khe nhưng chưa xác thực

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, cho biết, dự thảo mà Bộ TN-MT đưa ra quy định các tiêu chí cho túi ni lông thân thiện phải đảm bảo có độ dày trên 30 micrômet (trường hợp này, cơ sở sản xuất túi nhựa phải có phương án thu hồi tái chế); có khả năng phân hủy sinh học, thời gian phân hủy trong môi trường không quá 2 năm. Đối với hàm lượng của các kim loại nặng được quy định mức giới hạn tối đa cụ thể như arsen (12mg/kg); cadimi (2mg/kg), chì (70mg/kg), đồng (50mg/kg), kẽm (200mg/kg). Không chỉ vậy, với những cơ sở sản xuất túi ni lông phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Riêng đối với túi ni lông dùng để chứa thực phẩm, ngoài các  tiêu chí trên còn phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học và các DN, bộ tiêu chí quá khắt khe nhưng lại thiếu tính thực tế. Bà Trần Thị Mỹ Diệu, Khoa Công nghệ môi trường (Trường Đại học Văn Lang TPHCM), cho rằng, tiêu chí quy định khả năng phân hủy sinh học của bao bì chưa rõ ràng. Chưa đưa ra mức yêu cầu phân hủy bao nhiêu phần trăm thì được. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần lưu ý, ở những môi trường khác nhau như môi trường đất, môi trường khí, hay phòng thí nghiệm mức độ phân hủy của bao bì cũng khác nhau. Do đó, cần phải ghi rõ mức phần trăm phải phân hủy ở những môi trường cụ thể. Về thời gian phân hủy mà dự thảo đưa ra là 2 năm cũng không thực tế. Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Đông, Công ty Nhựa Vafaco, cũng cho rằng, tiêu chí có độ dày trên 30 micrômet là không phù hợp. Tùy vào quy cách của từng sản phẩm, vào dây chuyền sản xuất của từng DN mà độ mỏng của bao bì khác nhau. Để xác định chính xác độ dày mỏng này, các cơ quan chức năng cần phải khảo sát ý kiến của các DN để tìm ra tiêu chí chung nhất hoặc đề ra những tiêu chí phù hợp cho từng loại hình sản phẩm khác nhau. 

Thị trường hỗn loạn

Trong khi các cơ quan chức năng, DN và các nhà khoa học còn đang tranh cãi về loại bao bì ni lông thân thiện với môi trường thì thị trường của loại sản phẩm này trở nên khá hỗn loạn. Nhiều tiểu thương chợ Đồng Khánh quận 5 TPHCM cho biết, các đây 2 tháng, sản phẩm túi ni lông tự nhiên khan hàng. Vì thế, giá sản phẩm túi ni lông nhảy từ 30.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg. Sau đó, hạ xuống còn 45.000 đồng. Trao đổi với chúng tôi lý do tăng giá bán, anh Hào Tư Lợi, chủ cửa hàng cung cấp sỉ bao bì nhựa trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, tâm sự, trung bình mỗi kilômét túi nhựa, tôi lời khoảng 2.000 – 3.000 đồng. Do đó, công ty báo tăng giá thì tôi tăng giá thôi chứ có chủ cửa hàng nào muốn bán giá cao như thế.

Điều đáng nói là cho dù giá sản phẩm túi ni lông cao thì nhu cầu sử dụng của người dân vẫn không giảm. Chị Hoàng Thị Thu Tâm, tiểu thương chợ Bình Tây, chia sẻ, mọi việc gói hàng, bán hàng cho người tiêu dùng đều phải sử dụng túi ni lông. Nếu mình không gói hàng hay cho túi người mua hàng thì chắc chắc họ sẽ không hài lòng, thậm chí họ từ chối mua hàng. Chính vì thế mà túi ni lông vẫn chưa thể giảm sử dụng dù ở chợ truyền thống hay chợ hiện đại.

Đáng ra trước khi áp thuế đối với mặt hàng này, cơ quan chức năng cần phải có những khảo sát kỹ hơn về nhu cầu sử dụng thực tế của người dân, nhất là phải xây dựng một bước đệm. Bước đệm với người dân là sự tuyên truyền, vận động người dân tạo thói quen không sử dụng túi ni lông. Đối với DN, bước đệm chính là lộ trình chuyển đổi hoạt động sản xuất cho phù hợp với yêu cầu mới của thực tế. Còn với cơ quan chức năng, bước đệm chính là sự ban hành đầy đủ quy định, tiêu chí đối với với loại hình sản phẩm này. Sự chuẩn bị đầy đủ, tổ chức sắp xếp nhân lực, vật lực cho hoạt động hướng dẫn kê khai và nộp thuế. Có như vậy mới không tạo nên “cú sốc” quá lớn cho thị trường, tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội đẩy giá thu lợi bất chính.

MINH XUÂN – HÀ THANH

Tin cùng chuyên mục