Cuốn sách Tiểu luận & phê bình văn học (NXB Văn học, 2011) là một tập hợp những bài viết trong mấy năm gần đây của giáo sư Mai Quốc Liên. “Chủ đề của nó là văn hóa dân tộc, văn học hiện thời và những suy ngẫm về các hiện tượng văn hóa - văn học ấy” (lời tác giả). Mai Quốc Liên đã đào sâu vào cội rễ của những vấn đề “văn hóa dân tộc, văn học hiện thời” bằng những trang văn tràn đầy nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo, được thể hiện bằng một văn phong giản dị, trong sáng, truyền cảm và nhất là không bị “sa lầy” vào ma trận của những khái niệm trừu tượng, những thuật ngữ cầu kỳ, phức tạp.
Đọc Tiểu luận & phê bình văn học có cảm giác là Mai Quốc Liên viết nhanh, liền mạch, dạng “tẩu bút”, chừng như những ý tưởng đã được chưng cất kỹ, cứ thế thể hiện thành con chữ trên trang giấy.
Trong Mấy vấn đề về Nho giáo tại Việt Nam, Mai Quốc Liên đã bàn về vai trò của Nho giáo tại Việt Nam, so sánh với Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan. Tầm nhìn của ông về Nho giáo vừa sâu sắc, vừa bao quát, lại vừa thực tiễn, chuẩn xác: “Ngày nay Việt Nam đang mở cửa hội nhập, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong sự nghiệp đó, việc kế thừa và phát huy những tinh hoa của Nho giáo, gắn nó vào giáo dục, vào văn hóa, vào kinh tế, vào chính trị... làm cho nó trở thành một sức mạnh cũ mà mới, cổ xưa mà hiện đại là việc rất nên làm...”.
Đến với cuốn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, một cuốn tiểu thuyết “kỳ lạ, vô song” (chữ của Mai Quốc Liên), Mai Quốc Liên có cách tiếp cận, phân tích, so sánh khá độc đáo và thú vị. Ông đi tìm Bản chất mỹ học của cái cười trong “Số đỏ” và đặc biệt đánh giá cao tiếng cười bất hủ của Vũ Trọng Phụng qua Số đỏ: “Ở đây Vũ Trọng Phụng đã vươn tới tầm của “tiếng cười toàn dân” trong văn học dân gian, trong thơ Hồ Xuân Hương và vì thế tiếng cười của ông mang một tầm cỡ triết lý nhân sinh mà đồng thời vẫn mang ý nghĩa thời sự”.
Để làm nổi bật tiếng cười độc đáo của Số đỏ, một tiếng cười không thể nhầm lẫn với bất cứ ai, Mai Quốc Liên đưa ra một so sánh dày công nghiên cứu, tích lũy: “Đương thời, Nguyễn Công Hoan cũng cười, Tú Mỡ cũng cười, Đồ Phồn cũng cười, Lý Toét, Xã Xệ của Tự Lực Văn Đoàn cũng cười. Cái cười của Nguyễn Công Hoan nổ bùng vui vẻ nhưng nhanh chóng kết thúc, tiếng cười của Nam Cao là cười gằn đau đớn và u ám nhưng tiếng cười của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ là một tiếng cười nằm sâu trong hệ hình văn học Việt Nam truyền thống, đồng thời khác lạ không giống ai, thời sự, mới mẻ, hiện đại trong ngôn ngữ và trong cấu trúc tác phẩm”.
Mai Quốc Liên cho rằng “Vũ Trọng Phụng đã trở thành thiên tài mà không tự biết” và đi đến kết luận: “Ông đã viết một cuốn tiểu thuyết không ai viết được thời ông và cả gần một thế kỷ sau ông, cho đến tận ngày nay, người ta vẫn khát khao một Số đỏ mới, một Vũ Trọng Phụng mới xuất hiện. Tài năng trữ tình đã khó, tài năng châm biếm còn khó hơn nhiều”.
Có thể nói đọc Bản chất mỹ học của cái cười trong “Số đỏ” cũng đồng nghĩa với việc cầm trong tay chiếc chìa khóa giải mã những bí ẩn đầy ma lực của cuốn tiểu thuyết vô song này.
Trên tầm nhìn khái quát, Tiểu luận & phê bình văn học của Mai Quốc Liên là những trang viết giàu nội lực, đa sắc, đa thanh. Ngoài những bài đã điểm ở phần trên, còn có nhiều bài nổi trội khác viết về Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn An Ninh, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Cao Xuân Hạo, Tế Hanh, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa... Tất cả đều được viết từ một ngòi bút sắc cạnh, đậm nét nhân văn. Ẩn sau những con chữ là một tấm lòng đa mang thế sự, nặng nợ nhân tình, “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” (Nguyễn Đình Chiểu).
NGUYỄN VĂN THỨC