Tìm đâu ra xe dưới 50 phân khối?

Tìm đâu ra xe dưới 50 phân khối?
Tìm đâu ra xe dưới 50 phân khối? ảnh 1

Học sinh đi xe môtô phân khối lớn đến trường sáng 13-8-2007. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Không cho thanh niên, học sinh chưa đủ 18 tuổi điều khiển xe từ 50 phân khối trở lên là một quy định đúng đắn của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này các em sẽ có xu hướng muốn “tự chủ”, không muốn đi đâu cũng có cha, mẹ đưa đón.

Mỏi mòn tìm xe dưới 50 phân khối

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, người chưa đủ 16 tuổi không được điều khiển xe từ 50 phân khối trở lên, chỉ được điều khiển xe dưới 50 phân khối. Người đủ 18 tuổi mới được điều khiển xe từ 50 phân khối trở lên nhưng phải có bằng lái xe.

Gần 2 tuần qua, anh Dương Văn Hùng, giáo viên ngụ tại phường 22 quận Bình Thạnh đã lang thang khắp phố phường, ghé hàng chục cửa hàng buôn bán xe máy, gọi điện thoại nhờ bạn giúp nhưng vẫn không mua được chiếc xe dưới 50 phân khối cho cô con gái nhỏ của mình. Anh Hùng buồn bã: “Con bé năm nay lên lớp 12. Ngoài giờ học, cháu còn phải đi luyện thi ở nhiều trung tâm khác nhau. Tôi và bà nhà lại bận đi làm suốt, chẳng thể đưa cháu đi học như thế.

Muốn mua chiếc xe nhỏ cho cháu chủ động đi lại mà tìm mãi không được” Tại những cửa hàng bán xe máy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Văn Ngân, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Lợi... những người có con học THPT tới hỏi mua loại xe dưới 50 phân khối đều buồn bã khi nhận được những cái lắc đầu của nhân viên bán hàng. Quan sát các loại xe bày bán ở các cửa hàng này, từ Honda, Yamaha, SYM, Suzuki… cho đến các loại xe của Trung Quốc hay xe lắp ráp trong nước… chúng tôi chỉ thấy toàn xe phân khối lớn: 100 đến 150 phân khối.

Sau một thời gian nhọc công mà không tìm được chiếc xe dưới 50 phân khối mới, tốt, giá cả hợp lý, anh Hùng cũng như rất nhiều phụ huynh khác đành tìm mua xe cũ: Wave 50, Honda Cup 50, Chaily… tại các cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), Bùi Hữu Nghĩa (quận 1), đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)… Tuy nhiên, theo những người phụ huynh này thì “mua nhưng hồi hộp lắm” Chị Lê Thị Lan ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức có con trai học Trường THPT Năng khiếu lo lắng: “Tôi không tìm được xe dưới 50 phân khối mới nên phải đi mua xe cũ. Thế nhưng, loại xe này phần lớn đã sử dụng trên dưới 20 năm nên tôi thấy không an tâm khi để bọn trẻ chạy đi học!”.

Đúng là những lo lắng của phụ huynh không phải không có căn cứ. Anh Dương Văn Phúc, thợ sửa chữa mô tô, xe máy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh nhận xét: Các loại xe phân khối nhỏ gần như không còn sản xuất nữa nên khi hư hỏng đều phải thay đổi kết cấu, động cơ “tạp nham”. Thậm chí có khi  phải “độ” lên thành xe 70 – 90 phân khối mới có phụ tùng thay thế. Thế nhưng, dù có được “làm lại” song cũng chẳng ai dám khẳng định đã tốt khi mà các bộ phận như khung, sườn… đến tuổi này cũng đã bắt đầu lão hóa. Với tư cách một thợ sửa lâu năm, anh Phúc khuyên: không nên để học sinh sử dụng loại xe này bởi các em chưa có kinh nghiệm xử lý các tình huống hỏng hóc kỹ thuật xảy ra trên đường… như vậy thì rất nguy hiểm!”.

Giải vấn đề này như thế nào?

Hiện nhiều phụ huynh cho biết: rất lúng túng trong việc lựa chọn phương tiện đi lại cho con, em. Nhiều người đã chọn giải pháp: đưa đón hàng ngày và hậu quả của việc này là tại nhiều trường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Marie Curie (quận 3), Bùi Thị Xuân, Trưng Vương, Ernst Thalmann (quận 1), Lê Hồng Phong, Thực Nghiệm Sư Phạm (quận 5), Nguyễn Hữu Huân, Võ Thị Sáu (quận Thủ Đức)… lượng phụ huynh đưa đón, đứng đợi con em tăng đột biến, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Cũng có không ít người chọn giải pháp “xé rào” cho các cháu  chưa đủ 18 tuổi sử dụng xe phân khối lớn với đủ loại “mánh” như không đưa xe vào trường mà gửi ở các nhà dân, hiệu sách lân cận; khi tan học thì nhanh chóng cởi phăng bộ đồng phục, mặc áo khoác “ngụy trang” thành người lớn để “lách công an”.  Việc cảnh sát giao thông bắt được hàng trăm vụ học sinh trung học sử dụng xe trên 50 phân khối là một minh chứng.

Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HC: Trước khi cấm học sinh đi xe phân khối lớn ngành chức năng cần phải tính tới việc tăng cường các phương tiện giao thông công cộng đến các trường học; bản thân các trường nên chủ động tổ chức xe đưa rước học sinh. Ngoài ra, ngành chức năng cần có những biện pháp khuyến khích các hãng xe chú trọng hơn tới việc sản xuất và đưa ra thị trường những loại xe phân khối nhỏ, xe đạp điện có chất lượng đảm bảo… Đây là những loại phương tiện an toàn, phù hợp với học sinh THPT.

Quả là một đề xuất hoàn toàn hợp lý.

Trong những ngày đầu của tháng an toàn giao thông năm 2007, thị trường xe đạp điện trở nên rất sôi động với nhiều chủng loại, mẫu mã, chất lượng khác nhau. Các loại xe nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật và các loại xe lắp ráp trong nước như: Delta, Greenbike, Five Star, Viha… đều có tốc độ lưu thông 25km/h – 30 km/h;  chạy hết 45 km thì cần xạc điện trong 6 giờ. Giá xe đạp điện khá “mềm”  từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng. Cũng có những xe giá tới 7 triệu-8 triệu đồng có thể chạy với tốc độ 60 km/giờ và chạy đến 80km mới phải xạc điện, khoảng 2 năm mới phải thay bình điện. Vấn đề hiện nay là nhiều em học sinh cho rằng mẫu mã xe đạp điện chưa “ngầu” nên không thích.


Đoàn Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục