Ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL
Ngày 26-9, tại tỉnh Cà Mau, Bộ TN-MT, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh Cà Mau đã phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL. Tham dự hội nghị có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cùng nhiều lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia…
Không còn là miền đất trù phú
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhận định, trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ĐBSCL hôm nay không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời. Vì vậy, cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào tri thức và công nghệ để khắc phục thách thức do BĐKH để ĐBSCL phát triển bền vững.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị
Theo các đại biểu, vấn đề BĐKH đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất của người dân ĐBSCL, nơi được xem là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Không những thế, với tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Công, sụt lún, xâm nhập mặn… làm ĐBSCL khó khăn gấp bội.
Đưa ra những thiệt hại trước biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết qua mùa khô hạn năm 2016, số liệu thống kê tình hình hộ nghèo tăng lên đều trong các khu vực. Lý do, từ tháng 2 đến tháng 6 trời không mưa, không có nước ngọt, dòng sông thì nhiễm mặn nên người dân không sản xuất được. Thiệt hại này ảnh hưởng còn hơn mất mùa. Nếu tình trạng này lặp lại liên tục thì ĐBSCL nguy cơ nghèo đói ngày càng cao.
Theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, ĐBSCL đối diện với các thách thức toàn cầu, thách thức khu vực và thách thức từ chính sự khai thác tài nguyên tại ĐBSCL. Thách thức toàn cầu là sự BĐKH, nước biển dâng. Thách thức khu vực là tác động của các đập thủy điện trên dòng chính. Ước tính trầm tích của 8 đập thủy điện ở Trung Quốc giữ lại khoảng 1/3 tổng lượng trầm tích bình quân dòng chảy về châu thổ Mê Công. Nếu thêm 11 đập ở hạ nguồn nữa sẽ mất thêm 50% lượng trầm tích. “Ứng phó với các thách thức tại ĐBSCL là để ổn định cuộc sống của người dân, tổ chức lại sản xuất, tìm ra sinh kế giúp người dân làm giàu trong điều kiện tự nhiên và sinh thái mới”, GS Nguyễn Ngọc Trân phát biểu.
Biến thách thức thành cơ hội
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhớ lại: Suốt 30 năm qua, nhân dân, Đảng bộ các cấp ĐBSCL, Chính phủ thực hiện chương trình kiểm soát lũ, xem đây là chương trình số 1. Đến nay, chương trình đạt được những thành tựu quan trọng cả về kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất mới ra đời mang sắc thái đặc trưng của ĐBSCL. “Sau 30 năm kiểm soát lũ cho thấy nhận thức sống chung với lũ đến hôm nay vẫn còn giá trị. Dù sống chung hay thích ứng thì mục đích là làm cách nào đem lại lợi ích trực tiếp cho cuộc sống người dân. Có thể tận dụng bài học sống chung với lũ, khai thác kết quả này để nối tiếp thích ứng với BĐKH. Trước đây người dân còn sợ lũ, nay người dân không có lũ là buồn. ĐBSCL đã thắng lợi khi trải qua một cuộc trường chinh sống chung với lũ. Bây giờ, trước BĐKH thì người dân tiếp tục một cuộc trường chinh nữa, tôi nghĩ sẽ thắng lợi”, ông Lê Huy Ngọ nhận định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: ĐBSCL hiện nay đối diện với nhiều thách thức đến từ nhiều phía, như vấn đề BĐKH, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Thách thức này nó cũng đến từ quản lý yếu kém. Theo Phó Thủ tướng thách thức có diễn biến rất rõ ràng, không chỉ là tính cực đoan nhất thời mà nó mang xu hướng rất nghiêm trọng, tác động rất sâu sắc đến sinh kế của người dân, sản xuất, môi trường… của ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu yêu cầu cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phát huy vai trò từng địa phương, từng cộng đồng và từng người dân. Trong đó, giải pháp mềm phi công trình, là tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH không chỉ cho toàn vùng, cho từng tiểu vùng, từng địa phương. Trên cơ sở cập nhật kịch bản đó chúng ta tiếp tục đổi mới công tác xây dựng chiến lược quy hoạch, tích hợp BĐKH vào các thích ứng này trong phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta cũng coi trọng giải pháp kỹ thuật, như nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng; các giải pháp công trình, có những loại công trình không thể không làm, như cống kiểm soát mặn, trữ ngọt.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ứng phó với BĐKH nêu 3 thách thức với vùng ĐBSCL gồm: nước biển dâng đi liền với xâm nhập mặn; các công trình thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn sông Mê Công gây ra tình trạng lũ về ít và muộn ở ĐBSCL; cấu tạo địa chất sụt lún khoảng 2cm/năm do tự nhiên, do khai thác nước ngầm quá mức. “3 thách thức này không phải là dự báo nữa mà đã hiện hữu, vì vậy phải nhận thức và xử lý không tách rời, để không có chuyện ta bỏ vùng đồng bằng này đi, mà phải sống, đi lên từ đồng bằng này một cách bền vững”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật kịch bản BĐKH để ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, phát huy được các lợi thế của vùng.
NGỌC CHÁNH