Trên địa bàn TPHCM, nhiều tuyến đường là hướng giao thông huyết mạch có lượng phương tiện lưu thông rất lớn, thế nhưng do nhiều đoạn bị “nút thắt cổ chai” nên thường xuyên gây ra ùn tắc giao thông khiến người dân bị ám ảnh.
Kẹt dây chuyền
Một trong những điểm nóng về kẹt xe kinh niên là nút thắt trên quốc lộ 13. Đây là cửa ngõ khá quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách đi các tỉnh miền Đông và ngược lại. Tuy nhiên vào các giờ cao điểm, các hướng di chuyển từ nội thành đến quốc lộ 13 thường xuyên quá tải và ùn tắc nghiêm trọng ở nút giao ngã năm Đài liệt sĩ quận Bình Thạnh (Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí - quốc lộ 13). Cũng như hướng ra, mọi dòng phương tiện di chuyển hướng từ Bình Dương vào nội thành cũng bị “tắc nghẽn” trên quốc lộ này, đoạn từ cầu Ông Dầu đến ngã tư Bình Triệu. Nguyên nhân do diện tích mặt cầu quá hẹp, lượng xe lưu thông lại quá đông, chưa kể hàng ngàn phương tiện ra vào Bến xe miền Đông đều dồn vào khu vực trên.
Tương tự, quốc lộ 1 - cửa ngõ từ TPHCM đi về các tỉnh miền Tây - cũng trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia lưu thông qua đoạn đường này vì nạn kẹt xe, nhất là đoạn giáp với cầu vượt đường Võ Văn Kiệt (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đến giáp ranh Long An dài khoảng 9km. Nguy hiểm hơn, do làn đường dành cho xe máy rộng chỉ 2,5m nên nhiều người đi xe máy phải lấn ra làn ô tô, rất dễ xảy ra tai nạn. Anh Nguyễn Văn Huy, ngụ chợ Bình Chánh, ngày nào cũng đi lại trên tuyến đường này để vào trung tâm thành phố làm việc, cho biết: “Muốn đỡ kẹt xe thì phải đi từ 6 giờ, đến tầm 6 giờ 30 là xe máy phải lấn làn ô tô để chạy thì mới kịp giờ làm. Đường dành cho xe 2 bánh quá hẹp, lại gánh thêm xe buýt đậu đón khách, không thể nào đủ cho dòng xe dịch chuyển”.
Phương tiện giao thông di chuyển nhúc nhích trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh Ảnh: Cao Thăng
Tại cửa ngõ phía Tây Nam, “nút thắt cổ chai” ở khu vực mũi tàu Cộng Hòa (quận Tân Bình) cũng là nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng cho các phương tiện di chuyển ra vào nội thành. Từ ngã tư An Sương qua các tuyến đường vào nút giao thông Cộng Hòa - Trường Chinh, Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh - Âu Cơ..., tại những giao lộ này, ngày nào xe cộ cũng bị kẹt cứng hoặc phải di chuyển rất chậm, nhích từng chút một vào các giờ cao điểm. Một điểm nóng ùn tắc giao thông nữa là khu vực ngã tư Gò Mây, giao nhau giữa quốc lộ 1 - Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú thuộc quận Bình Tân. Đây được xem là nơi giao thông luôn diễn biến phức tạp, vì là trục đường chính của Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, lưu lượng phương tiện quá lớn trong khi đường Nguyễn Thị Tú thì quá nhỏ, lại bị người dân lấn chiếm vỉa hè thậm chí tràn xuống lòng đường để buôn bán, khiến giao thông ùn ứ trầm trọng.
Đã có dự án mở rộng đường
Nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc ở các khu vực giao thông phức tạp trên, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) đề xuất 3 tiểu dự án mở rộng các tuyến đường xung quanh Bến xe miền Đông. Theo đó, đường Ung Văn Khiêm dài 1,8km sẽ được mở rộng lên 27m (hoặc 30m); xây dựng nút giao thông ngã năm Đài Liệt sĩ gồm cầu vượt, đường song hành và mở rộng cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức) với tổng số vốn khoảng 1.600 tỷ đồng. Đây là các tiểu dự án thuộc dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) do CII làm chủ đầu tư. Theo tính toán của CII, dự án chỉ có thể thực hiện bằng nguồn vốn BOT, đơn vị này sẽ thu phí hoàn vốn tại các trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Triệu 2 hiện hữu, với mức lộ trình tăng phí cụ thể. Trên cơ sở đề xuất của CII, Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị UBND TP chấp thuận triển khai dự án. Riêng hạng mục mở rộng đường Ung Văn Khiêm, sở kiến nghị chọn phương án mở rộng lên 30m phù hợp với quy hoạch lộ giới, bề rộng vỉa hè đủ rộng để bố trí công trình kỹ thuật, trồng cây xanh.
Về nút thắt quốc lộ 1 hướng về miền Tây, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO vừa có báo cáo khả thi dự án cải tạo nâng cấp đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp tỉnh Long An dài 9,6km. Dự án có tổng vốn 1.886 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng. Đoạn đường sẽ được mở rộng từ 23,5m lên 35m, có dải phân cách ở giữa, 4 làn ô tô chạy 80km/giờ và 2 làn xe hỗn hợp chạy 60km/giờ. Công trình sẽ triển khai vào quý 2-2016 và hoàn thành sau hơn 2 năm. Việc thi công tuyến đường được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT. Chủ đầu tư đề nghị được thu phí tại trạm An Sương - An Lạc hiện hữu và có lộ trình tăng phí theo quy định. Nút thắt 700m trên đường Lê Trọng Tấn qua cầu Bưng cũng sẽ mở rộng 6 làn xe trong năm 2016. Việc mở rộng đoạn đường này sẽ phá vỡ thế độc đạo của đường Trường Chinh. Như vậy khi mở rộng đoạn đường Lê Trọng Tấn, sẽ giảm áp lực lưu thông cho nút giao thông An Sương.
QUỐC HÙNG