
Gần 10 tỷ đồng doanh thu, 400.000 lượt người đến với Hội sách và xấp xỉ 900.000 bản sách được bán ra, đó là những tổng kết của Hội sách TPHCM lần 4. Điều quan trọng hơn, qua Hội sách lần này, đã xuất hiện những ý tưởng về một hội sách quy mô hơn ở lần sau, xứng tầm với một trung tâm văn hóa lớn của cả nước và khu vực.

Mặt bằng hội trường 111 Bà Huyện Thanh Quan khá lớn, tọa lạc tại một vị trí rất đẹp với 3 mặt là những con đường một chiều (Bà Huyện Thanh Quan, Lý Chính Thắng, Võ Thị Sáu) nhưng vẫn quá chật chội so với sức hút của Hội sách. Tại Hội sách lần này, BTC đã bấm bụng gạt ra rất nhiều đơn vị đăng ký trễ, vừa để đảm bảo an ninh, vừa chừa “chỗ thở” cho lượng người đến Hội sách, cùng với nhiều hoạt động văn hóa khác.
Số lượt người đến với Hội sách tăng khoảng 30% so với hội sách lần 3 (hội sách tổ chức hai năm một lần). Điều này cho thấy qua hai năm, sự trỗi dậy mạnh mẽ của đội ngũ làm sách tư nhân, sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động của các NXB, đơn vị phát hành lớn như: Công ty văn hóa Phương Nam, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Fahasa và các công ty phát hành tư nhân như: Trí Việt, Thời Đại, Văn Lang, Nhân Văn, Hương Trang... với rất nhiều chiêu thức quảng bá nhằm đưa sách đến bạn đọc một cách nhanh nhất, gần gũi và thân thiện nhất đã có hiệu quả nhất định.
Sự chuyên nghiệp này được minh chứng bằng rất nhiều giao dịch thành công về bản quyền của nhiều đơn vị trong nước với đối tác nước ngoài mà sự vượt trội về lượng gian hàng tham gia là một ví dụ. Đặc biệt, có hẳn một khu vực dành riêng để trưng bày sách của Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á và Tổng Lãnh sự quán Mỹ. Đây là bước đi tích cực, đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập của Hội sách TPHCM lần 4.
Chính vì vậy, vấn đề mặt bằng để những hội sách lần sau có thể “nở nồi” rất được chú ý. Cái cần nữa là cho đến nay, tuy là một sự kiện văn hóa lớn của TP nhưng Hội sách chưa do một đơn vị tổ chức hội chợ, sự kiện chuyên nghiệp nào đứng ra tổ chức mà vẫn do các đơn vị xuất bản, phát hành, cụ thể lần này là Tổng Công ty văn hóa Sài Gòn, Fahasa, NXB Trẻ, NXB Văn Nghệ, NXB Tổng hợp TPHCM, đứng ra cáng đáng.
Một thiếu vắng nữa là chưa có sự quan tâm đúng mức tới mảng sách dịch của các tác phẩm VN để giới thiệu với du khách và đối tác nước ngoài. Trong kế hoạch của mình, Tổng Công ty Phát hành sách VN sẽ xúc tiến mở một số gian hàng giới thiệu sách VN tại các nước Tây Âu, Mỹ nhưng ngay tại Hội sách lần này, gian hàng của đơn vị này hoàn toàn không có một tác phẩm nào để giới thiệu.
Các NXB và đơn vị phát hành khác cũng bỏ ngỏ, “quên” luôn mảng sách quan trọng này. Chỉ duy có NXB Kim Đồng trưng bày vài đầu sách truyện cổ tích VN bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Anh-Việt. Sự việc này khiến khách nước ngoài cảm thấy lạc lõng khi đến với Hội sách và cũng làm chính đại diện các NXB nước ngoài tham gia Hội sách cảm thấy khó “hòa đồng”. Nếu khắc phục được những điểm trên, tương lai, Hội sách TPHCM sẽ là sự kiện văn hóa lớn không chỉ trong nước mà sẽ mang tầm khu vực như mong mỏi của nhiều người.