Tìm lời giải cho xuất bản “hậu Covid-19”

Đã có lúc, những người làm sách trong nước hy vọng biến “nguy” thành “cơ” với niềm tin rằng, ngành xuất bản ít chịu sự chi phối của Covid-19. Bởi thời gian cách ly, người dân vẫn có thể mua sách và đây cũng là thời gian lý tưởng dành cho việc đọc sách. 

Nhưng thực tế lại không như vậy khi diễn biến Covid-19 ngày càng phức tạp, ảnh hưởng mọi ngành nghề trong xã hội, trong đó có xuất bản nói chung và các nhà sách truyền thống nói riêng.

Đầu tiên là Đường sách TPHCM phải dừng hoạt động từ ngày 24-3. Hệ thống nhà sách Văn Lang (4 cửa hàng) đồng loạt đóng cửa từ ngày 30-3. Ở hệ thống phát hành Fahasa, 90% số nhà sách tạm nghỉ vì đa số nằm trong trung tâm thương mại; 10% còn lại mở cửa nhưng giảm ca, đóng cửa sớm hơn trước đây 3-4 giờ; trong khi nhiều nhà sách đẩy mạnh kênh bán online xem như một lối thoát khả thi. 

Dù sao giai đoạn giãn cách xã hội này khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi căn bản. Từ chỗ buộc phải lựa chọn mua hàng qua kênh online, họ sẽ nhanh chóng hình thành thói quen chỉ mua/ưu tiên mua online. “Vì thế, để thích nghi với sự thay đổi trong tâm lý lựa chọn và quyết định của khách hàng, chắc chắn các đơn vị xuất bản cũng phải thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”, bà Đào Quế Anh, Phó Giám đốc Công ty Sách Alpha, khẳng định.  

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngành xuất bản Việt Nam ít bị tác động hơn so với quốc tế cũng như mức độ ảnh hưởng giữa xuất bản với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Bởi đây là kết quả từ việc kiểm soát dịch Covid-19 ở Việt Nam, đến thời điểm này được đánh giá là hiệu quả. Ngoài ra, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản - in và phát hành ở Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và vừa nên họ có đủ sự linh hoạt để đối phó trong ngắn hạn. Thêm vào đó, xuất bản không phải là ngành bị tác động trực tiếp như du lịch, khách sạn, giáo dục hay vận tải, nên mức độ thiệt hại không lớn bằng các ngành nghề kể trên.

Khi làm việc online trở nên phổ biến, hạn chế các tụ điểm giải trí đông người…, thói quen của chúng ta cũng có nhiều thay đổi. Mọi người có thời gian cho bản thân, đọc sách nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng làm việc từ xa. Độc giả nhí, học sinh tiểu học cũng làm quen và phát triển kỹ năng học từ xa qua internet và truyền hình… Vì thế nhu cầu về các khóa học/đào tạo online hay đọc sách qua thiết bị điện tử có xu hướng tăng. Điều đó góp phần định hình lại cơ cấu sản phẩm trong ngành xuất bản.

Do vậy, nhiều chuyên gia dự báo, sách giấy vẫn tạm giữ vị thế quan trọng nhưng các định dạng khác của xuất bản phẩm (Ebook, Audio Books) sẽ trở nên thịnh hành hơn, khi theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20%-30% trong tháng 2. Độc giả sẽ là người quyết định cơ cấu đề tài trong ngành xuất bản. Trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch Covid-19, thông qua các kênh bán online, sơ bộ có thể tổng kết mảng sách bán chạy nhất là sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Hai loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2,7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần).

Chuỗi giá trị và mức độ toàn cầu hóa trong ngành xuất bản sẽ thay đổi theo hướng phi tập trung. Các tập đoàn xuất bản lớn sẽ không sản xuất ở một vài công xưởng lớn trên thế giới, để tránh rủi ro cao. Có thể họ sẽ phân tán các nhà cung cấp hoặc đưa cơ sở sản xuất về bản xứ. Bên cạnh đó, quá trình xuất bản số và thương mại điện tử sẽ diễn ra nhanh hơn. 

Đối phó với cái “rất khác” đó, chúng ta phải làm gì. Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Sách Quảng Văn, nhận định: Các nhà xuất bản sẽ phải chú trọng xây dựng đội ngũ tác giả trong nước và phát triển sức mua nội địa. Các công ty trong ngành xuất bản và các ngành nghề liên quan sẽ cần liên kết, hợp tác và cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa để gia tăng sức mạnh tổng thể. Và do hàng loạt hội sách bản quyền quốc tế bị dừng và hủy bỏ, nên trong ngắn hạn, ngành xuất bản toàn cầu sẽ thiếu sách mới trong quý 2, quý 3 và thậm chí là quý 4-2020. Đó cũng cơ hội của những nhà làm sách Việt.

Tin cùng chuyên mục