“Khánh trắng”

Tìm mình qua từng chuyến viễn du

Tìm mình qua từng chuyến viễn du

Nếu bạn quan tâm đến nền mỹ thuật trẻ Việt Nam và thắc mắc đâu là những hoạt động sáng tạo đáng chú ý và chất xám họa sĩ trẻ Việt Nam đang ngầm chảy tận đâu, Bùi Công Khánh sẽ là một trong số không nhiều những họa sĩ có thể giúp bạn tìm lời đáp cho mối bận tâm ấy…

Biệt danh “Khánh trắng” có từ thời sinh viên nghe rất giang hồ này kỳ thực chỉ do duy nhất một nghĩa đen: Khánh rất trắng - nhằm phân biệt với những “Khánh đen”, “Khánh đỏ” khác.

Tìm mình qua từng chuyến viễn du ảnh 1

“Khánh trắng” sinh ngày 1 tháng giêng năm 1972 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp khoa Sơn dầu, trường ĐH Mỹ thuật TP 1996. Tự tách mình khỏi sức ì, sự trì trệ cùng những lo toan thường nhật của một sinh viên tỉnh lẻ vừa ra trường, chân ướt chân ráo giữa đất Sài Gòn, anh chuyên tâm lao vào sáng tác không ngừng nghỉ với thái độ bất chấp và thách thức mọi khó khăn. “Tôi thường chỉ ăn không khí!” - anh đùa.

Thật khó thể kể hết những chặng đường ngang dọc anh đã đi qua, đã để lại dấu ấn sáng tạo tại các cuộc triển lãm và trình diễn nghệ thuật đương đại khắp Việt Nam và các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ.

“2 tháng ở Vermont, 3 tuần ở New York, 6 ngày ở Los Angeles, 2 ngày ở Boston, 2 giờ ở Francisco… liệu có đủ cho tôi một cái nhìn khái quát về nước Mỹ? Thật mơ hồ, hoàn toàn chỉ là cảm giác, một cảm giác được chuẩn bị từ trước nhưng vẫn không tránh khỏi ngỡ ngàng…” - Khánh thổ lộ về cuộc triển lãm mới nhất của mình. Lịch của Khánh luôn đầy kín, sít sao, thế nên anh gần như đi suốt, làm việc suốt. Không chịu bó mình với màu - cọ, trong một không gian tranh vốn hạn chế, Khánh say mê tìm tòi, thể nghiệm và sáng tạo rất hăng ở các lĩnh vực nghệ thuật đương đại, tiêu biểu là Performance art và Installation. Với vóc dáng lòng khòng, trở về từ Mỹ lần này, Khánh trông càng gầy guộc hơn. “Vì ăn không được đồ Mỹ!” - nói thế, nhưng anh chẳng bao giờ có ý định dừng các cuộc viễn du của mình. Được biết tháng 8 tới, anh sẽ khăn gói sang Đức theo lời mời của một viện bảo tàng nước sở tại để trình chiếu đoạn vidéo art có tựa đề “Người làm mưa” do anh thực hiện.

– Điều tâm đắc nhất Khánh học được ở Vermont vừa rồi và qua các chuyến xê dịch suốt của mình?

– Vermont là một “làng nghệ thuật” thực sự dành cho những người làm công việc sáng tạo. Trong đó, nhà nhà là xưởng sáng tác và các nơi sinh hoạt công cộng như chùa chiền, nhà thờ, quảng trường… đều là nơi trưng bày tác phẩm. Không gian, không khí nghệ thuật thấm đẫm mọi ngõ ngách. Nhiệm vụ duy nhất của mọi người trong thời gian ngụ cư tại đây chỉ là sáng tạo và sáng tạo… Điều thú vị tôi học được tại nơi này là: không có họa sĩ giỏi hay dở, chỉ có họa sĩ làm việc.

Tìm mình qua từng chuyến viễn du ảnh 2

Sắp đặt Kỷ niệm: “Tạm thời tôi làm cách của con nhện nhả tơ giữ lấy con mồi vì tôi muốn lưu giữ quá khứ, tôi bao bọc mọi vui buồn, đau khổ, những chuyến đi… bằng một lớp màng mỏng dính chặt, mờ ảo nhưng âm ỉ và không bao giờ lịm tắt; Là cái cách để sau này lúc khốn khó tôi sẽ lấy “quá khứ” của tôi ra mà ăn dần”.

Trại được mở ra quanh năm quy tụ các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, hết tốp này đến tốp nọ, nhất là khu vực châu Á. Thông qua tác phẩm gửi đến, họ (các tập đoàn kinh tế, các “đại gia” mê nghệ thuật tài trợ) tuyển chọn rồi lên danh sách mời mình tham dự. Họ cấp cho mỗi người 1 studio (xưởng vẽ) với đầy đủ họa phẩm. Mỗi ngày, ngoài thời gian chính làm việc độc lập, họ còn có một thời khóa biểu dày đặc các buổi sinh hoạt nghệ thuật chung như hội nghị, tọa đàm, tham quan… rất thú vị và bổ ích đến từng người.

Một điều rất cũ nhưng cũng rất mới mà tôi học được đó là sự lăn xả. Để đến được Vermont làm việc, học hỏi, nhiều họa sĩ không được chính thức tuyển chọn đã phải tự túc bằng cách lăn xả làm bất cứ việc gì, kể cả việc dọn vệ sinh, làm tạp vụ… để có tiền trang trải cho chuyến thực tế này. Tôi đã rất ngỡ ngàng và suy nghĩ thật nhiều khi chứng kiến một họa sĩ Mỹ sau buổi triển lãm, sau cuộc tọa đàm trang trọng, đang chà rửa toa-lét cho chính tôi! Chỉ một chi tiết nhỏ xíu nhưng có sự khác biệt trong cách nghĩ, từ đó là cách sống và cách làm việc của họa sĩ nói riêng, của nghệ sĩ Việt Nam nói chung. Họ chỉ nghệ sĩ trong tác phẩm, và điều này mới là cốt lõi, mới thực sự cần thiết.

– Có ý kiến cho rằng, họa sĩ thì chỉ nên ở nhà vẽ thôi, đi nhiều không có lợi, thấy nhiều, học nhiều quá sẽ bị loạn, bị mất bản sắc. Điều này còn được minh chứng từ thực tế nhiều người đi rồi về khớp không dám vẽ nữa, vì cho rằng dù mình có đứng ở góc độ nào, trường phái nào, cũng sau người ta cả...

– Theo Khánh thì cái đó tùy mỗi người. Đi nhiều, thấy nhiều quả thật khớp nhưng cái thôi thúc quá lớn khi thấy người ta làm việc, người ta lăn xả… khiến mình không thể ngưng nghỉ. Và Khánh đã có cách thu xếp cho riêng mình. Bạn có thể đến triển lãm sắp đặt của Khánh tại Mai’s gallery để “tận mắt chứng kiến”!

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục