Tìm tiếng nói chung vì an ninh ở biển Đông

Ngày 26-10 tại Bangkok, Thái Lan, đã khai mạc phiên họp lần thứ 8 của các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về việc thực thi Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC). Cuộc họp kéo dài đến ngày 29-10, được xem là một trong những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng biển Đông.
Tìm tiếng nói chung vì an ninh ở biển Đông

Khai mạc Hội nghị ASEAN - Trung Quốc về DOC

Ngày 26-10 tại Bangkok, Thái Lan, đã khai mạc phiên họp lần thứ 8 của các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về việc thực thi Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC). Cuộc họp kéo dài đến ngày 29-10, được xem là một trong những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng biển Đông.

Thúc đẩy COC

Với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Thái Lan trở thành nơi tổ chức các cuộc họp liên quan đến DOC. Chủ trì cuộc họp là ông Sihasak Phuangketkeow, Thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Thái Lan và ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Một cuộc họp song song của Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 12 về việc thực hiện DOC sẽ do ông Arthayudh Srisamoot, Tổng giám đốc của Cục ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan và ông He Wei , Phó Tổng giám đốc Cơ quan quản lý nhà nước về đại dương của Trung Quốc chủ trì.

Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 11 ở Nam Ninh, Trung Quốc tháng 9-2014.

Cả hai cuộc họp được dự kiến sẽ thảo luận về chương trình thúc đẩy cụ thể hợp tác ASEAN-Trung Quốc ở biển Đông trong khuôn khổ của DOC; trọng tâm là nâng cao lòng tin lẫn nhau và thúc đẩy các bên đi tới Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Tất cả những mục tiêu này sẽ hỗ trợ cho sự thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 diễn ra vào  tháng 11 ở Myanmar.

Theo báo chí Singapore, Trung Quốc cần xây dựng một cấu trúc thể chế an ninh mới, làm cho các nước Đông Nam Á có thể cảm thấy Trung Quốc đáng tin cậy hơn trong an ninh khu vực. Cấu trúc an ninh này có thể là COC mà Trung Quốc và ASEAN đang thảo luận, hay cơ chế đối thoại “10 + 1”. Mặc dù việc làm cho tất cả các nước Đông Nam Á đều trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc là một việc khó, song ít nhất cũng phải cố gắng làm thế nào để các nước này cảm thấy Trung Quốc là một “người hàng xóm đáng tin cậy”.

Xây dựng lòng tin

Trung Quốc và ASEAN đầu tháng 10 đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác ứng phó thiên tai. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ cung cấp 50 triệu nhân dân tệ (8,1 triệu USD) để xây dựng năng lực đối phó với thiên tai trong khu vực ASEAN. Quỹ sẽ hỗ trợ các thành viên ASEAN về ứng phó thiên tai và ứng cứu khẩn cấp cũng như hỗ trợ nhân đạo.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đánh giá cao MOU như một “mốc quan trọng trong quan hệ đối tác phát triển với Trung Quốc trong lĩnh vực ứng phó thiên tai”. Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Yang Xiuping nói rằng MOU đánh dấu việc hai bên lần đầu tiên thiết lập một cơ chế hợp tác đa phương.

Theo tạp chí The Diplomat, hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai là một trong những cách dễ nhất để xây dựng lòng tin và thiện chí giữa hai bên, thậm chí là cơ sở để hướng tới hợp tác ngoại giao và cả quân sự. Bài báo cho rằng Trung Quốc đã để mất cơ hội này về hợp tác cứu trợ thiên tai với ASEAN khi cơn bão Haiyan hoành hành Philippines vào năm 2013.

Cũng liên quan đến việc xây dựng cơ chế hợp tác để xây dựng lòng tin, Tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ cho biết Trung Quốc và ASEAN đang thảo luận chọn năm 2015 là “năm hợp tác về hàng hải”. Ông Trương Cao Lệ bày tỏ hy vọng trong việc tìm kiếm khả năng trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo ông, hai bên cần tăng cường nỗ lực để xây dựng mạng lưới vận tải biển và sông, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, hàng không và cáp quang viễn thông và liên kết mạng lưới kết nối toàn diện an toàn và hiệu quả.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục