Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, không khó để tìm ra một website tuyển dụng lao động trên mạng. Mặc dù tìm việc qua mạng mang lại nhiều thuận tiện nhưng người lao động cũng cần cẩn trọng...
Chỉ cần nhấp chuột
Tốt nghiệp khoa ĐH Khoa học tự nhiên, Cường, quê ở Hà Tĩnh, thử đăng ký tìm việc trên mạng và không ngờ đã tìm được công việc có thu nhập như ý. Cường kể, lúc mới tốt nghiệp, đang băn khoăn chưa biết nộp hồ sơ ở đâu thì một người bạn cùng khóa chỉ cho cách tìm việc trên mạng. “Lúc đầu mình tham khảo trên các trang web tìm kiếm chuyên về tuyển dụng, việc làm. Cuối cùng, mình tìm được công việc thông qua trang www.timviecnhanh.com. “Mình không nghĩ tìm việc trên mạng lại đơn giản như vậy. Tại đây có phân nhóm ngành nghề, thời gian, mức lương để mình lựa chọn” - Cường bày tỏ.
Cũng thông qua trang thông tin việc làm Báo Người lao động (www.vieclam.nld.com.vn), Bùi Thị Thúy, sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng, đã nhanh chóng tìm được việc làm tại một ngân hàng lớn ở TPHCM. “Em đọc các mục tư vấn, hướng dẫn, kỹ năng phỏng vấn trên báo rồi viết đơn trình bày giới thiệu với nhà tuyển dụng rồi để lại địa chỉ email và số điện thoại thì ngay buổi chiều đã có người liên lạc bảo cầm hồ sơ đến phỏng vấn và 2 ngày sau đi làm. Em cũng không nghĩ tìm việc qua mạng nhanh và đơn giản như vậy” - Thúy nói.
Xu hướng tìm việc và tuyển dụng lao động trên mạng đang được các doanh nghiệp, người lao động và cả các đơn vị giới thiệu việc làm quan tâm. Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “việc làm online”, trong vòng 0,06 giây đã cho ra trên 20 triệu kết quả với hàng trăm website chuyên về việc làm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, ưu điểm của tìm việc trên mạng là nhanh, hiệu quả và người lao động chỉ cần gửi hồ sơ “mềm” bằng cách khai báo đầy đủ những yêu cầu và chờ phỏng vấn.
Coi chừng bị lừa
Tiện dụng và phổ biến nhưng khi xu hướng tìm việc qua mạng gia tăng, không ít kẻ xấu đã lợi dụng các giao dịch ảo để lừa tiền, lấy tài sản của người lao động.
Chị Nguyễn Thị Hòa, quê ở Gia Lai, khi thấy thông tin tuyển dụng trên mạng phù hợp với sở thích của mình, lại cho thu nhập cao đã đăng ký với nhà tuyển dụng. Ngay buổi chiều cùng ngày có người liên lạc hẹn chị đến phỏng vấn tại một cao ốc văn phòng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3).
Hòa cho biết, khi đến gặp một người ăn mặc lịch sự, xưng tên Long, phụ trách nhân sự, hướng dẫn vào quán cà phê ngồi đợi vì đang bận tiếp khách. Ít phút sau người này cũng ra ngồi nói chuyện về hồ sơ lý lịch… “Đang nói chuyện, người này bảo có việc cần và quên điện thoại ở phòng làm việc nên mượn điện thoại em để liên lạc rồi… trốn luôn” - Hòa kể.
Một nạn nhân của trò lừa đảo nữa là chị Lê Thị Hồng (quê Thanh Hóa), vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Chị đọc thấy trên website cần tuyển một nhân viên nữ. Xét thấy ngoại hình và năng lực mình đáp ứng yêu cầu đề ra nên chị đăng ký xin việc và để lại số điện thoại theo yêu cầu.
Sau đó, chị Hồng nhận được điện thoại của một người tự xưng tên Tuấn, nhận là trưởng phòng marketing của công ty chuyên kinh doanh mặt hàng điện máy C. Tuấn đề nghị chị Hồng đến siêu thị điện máy nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám để xem hồ sơ. “Khi đến nơi, người này đã chờ sẵn và đề nghị ghé quán cà phê gần đó để bàn công việc vì ở siêu thị ồn ào. Người này lấy lý do xe để ở bãi khó lấy ra nên xin đi cùng xe và còn ga lăng đề nghị chở chị đến một quán cà phê sang trọng ở đường Trường Sơn gần đó.
Ngồi được 10 phút, sau khi xem xong hồ sơ người này lấy cớ có điện thoại việc riêng nên ra ngoài nghe. Chờ lâu không thấy, hỏi viên phục vụ mới biết anh ta đã lấy xe đi, không quên dặn “tiền nước ấy tính”. Lúc này chị Hồng mới biết mình bị lừa mất chiếc xe tay ga mới mua”.
Chuyện bị lừa trên mạng không hiếm. Nhóm tội phạm này thường nhắm vào những người trẻ, tâm lý khát khao tìm việc làm với mức lương cao, nên những thông tin về việc làm đưa ra trên mạng thường rất hấp dẫn.
Theo các chuyên gia tư vấn lao động, những tập đoàn hay doanh nghiệp lớn cần tuyển dụng bao giờ cũng đứng ra tuyển dụng trực tiếp, không phỏng vấn ở quán cà phê hay thông qua người trung gian. Một đơn vị giới thiệu việc làm trên mạng khuyên người lao động phải tỉnh táo, cảnh giác, cần kiểm chứng thông tin nơi có nhu cầu tuyển dụng lao động qua các phương tiện thông tin khác. Không tiết lộ các thông tin nhạy cảm về tài khoản ngân hàng, hộ chiếu, không tham gia các công việc xuyên biên giới như chuyển tiền, tái xuất hàng hóa, kiểm tra với các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội nếu thấy nghi ngờ…
Hồ Thu
Một số website tìm việc có uy tín: Trên những website này, ngoài thông tin về “việc cần người – người cần việc” người lao động còn được tư vấn các kỹ năng xin việc, hướng nghiệp, quan hệ lao động, văn hóa nghề nghiệp… |