
Với thế giới, phim ngắn đã có từ lâu nhưng tại Việt Nam, thể loại này chỉ mới phát triển vài năm trở lại đây. Với phim ngắn, ai cũng có thể vừa là nhà quay phim, vừa là đạo diễn, vừa làm diễn viên, nghĩa là có thể biến ước mơ làm điện ảnh của mình thành hiện thực.
- Từ chương trình TPD...

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
TPD là chương trình hỗ trợ các đạo diễn trẻ Việt Nam do Hội Điện ảnh Việt Nam thành lập vào tháng 8 năm 2002 từ ý tưởng của hai nhà làm phim trẻ Bùi Thạc Chuyên và Nguyễn Hà Phong. Hiện, Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh, có văn phòng đặt tại Hà Nội, đã nhận được sự hưởng ứng của quỹ Ford, đồng thời cộng tác với bộ phận nghe - nhìn của Đại sứ quán Pháp.
Chương trình được thiết lập nhằm mục đích tìm kiếm, trợ giúp các nhà làm phim trẻ Việt Nam thông qua các cuộc hội thảo, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và các khóa học đạo diễn mang tên Varan. Từ tháng 2 đến tháng 11 năm 2004, dự án “10 tháng, 10 phim ngắn” đã giúp các tác giả trẻ hoàn thiện kịch bản và thực hiện phim của mình bằng vidéo kỹ thuật số. Hai trong số những phim này đã đoạt giải tại TPHCM và có 5 phim đã được giới thiệu tại Liên hoan phim Clermont Ferrand 2005. Chương trình TDP còn đặc biệt khuyến khích các tác giả nữ tham gia làm phim và rất chú trọng đến sự góp sức của họ.
Năm 2004, khóa học Varan tại Việt Nam của chương trình đã được đánh giá là thành công khi đưa ra giới thiệu những phim tài liệu tiêu biểu của các tác giả trẻ thuộc nhiều lĩnh vực trong và ngoài điện ảnh như Phan Thị Vàng Anh với phim “Trong phường Thành Công có làng Thành Công”; Lê Tuấn Anh với phim “Sống ở phố”; Nguyễn Trường Giang với phim “Người bán gốm”; và các phim truyện: “Trên mảnh sân phủ rêu” của Vương Minh Việt; “Hạnh phúc đỏ” của Nguyễn Thị Minh Quyên - Lương Đình Dũng; “Một cuộc chiến khác” của Trần Thị Thu - Nguyễn Mạnh Hà; “Mùa thứ năm” của Nguyễn Hoàng Điệp và “Chuyện bọc tiền” của Bùi Kim Quý.
- Đến phim ngắn của sinh viên
Từ năm 1995, các phim ngắn của sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TPHCM lần lượt ra mắt – đó là những bài thi lên lớp hoặc tốt nghiệp được đánh giá cao tại hội đồng nghệ thuật trường lẫn các liên hoan phim ngắn trong và ngoài nước.
Có thể kể đến “Bỏng” của Nguyễn Mỹ Khanh và “Niềm tin” của Vũ Ngọc Đãng - đồng giải II Liên hoan phim ngắn toàn quốc.

Diễn viên - Đạo diễn Mỹ Khanh.
“Bỏng” kể về những mảnh đời bất hạnh của những đứa trẻ bị cha mẹ chúng buộc phải đi xin ăn. Cũng là những vết bỏng trên cơ thể xã hội, nhức nhối và khó liền da. Phim có độ ngắn kỷ lục, 4 phút, mà cực kỳ xúc động, “như một lời chia sẻ trực diện từ trái tim tác giả đến trái tim khán giả” - Mỹ Khanh nói.
“Niềm tin” của Vũ Ngọc Đãng dài 12 phút, khiến người xem tự tin hơn vào chính mình, vào cuộc sống “Bởi có niềm tin, con người sẽ làm được những điều tưởng chừng không thể” - Vũ Ngọc Đãng chia sẻ.
Các phim tài liệu như “Sáng - tối” của Trần Toàn với độ dài 23 phút, kể về một phụ nữ rời bỏ chồng con, vùi mình trong tội lỗi, lầm lạc. Sau bao nhiêu năm tù tội, khi đã luống tuổi, chị sống đơn độc và luôn bị dằn vặt bởi quá khứ. Rồi chị đã cố gắng vượt lên, trở lại cuộc sống bình ổn bằng cách dành phần đời còn lại để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân nhiễm HIV-AIDS, những người đã từng có quá khứ như chị…
“Vai phụ” của Nguyễn Vũ Linh Vân - Nguyễn Lê Duy Bảo, 22 phút, chuyên chở thông điệp: Sân khấu đối với nhiều diễn viên là thánh đường nhưng chừng ấy mét vuông của một thánh đường không đủ chỗ cho tất cả, vậy nên sẽ có những người chấp nhận sắm những vai phụ suốt cuộc đời, trong nỗi khắc khoải, hy vọng…
“Người đào giếng” của Trần Thị Thu Hiền, dài 17 phút, trĩu nặng suy tư về thân phận của một người khuyết tật bẩm sinh nhưng đã biết vượt lên trên sự nghiệt ngã đó, giành giật từ tay “số phận” một gia đình, một cuộc sống hạnh phúc…
“Chuyện A Tèo” của Lê Thị Kiều Nhi, dài 24 phút, cùng cảm thông, chia sẻ với tầng lớp “dân nghèo thành thị”, phải múa, hát rong, làm xiếc, ngậm lửa…, nói chung nhân vật đã làm đủ mọi cách - trong sự lương thiện - để bán từng cái kẹo kéo vì một gia đình rất mực đầm ấm, yêu thương…
Cứ thế, những câu chuyện bình dị đầy ắp hơi thở cuộc sống lần lượt được các sinh viên cùng những người trẻ say mê điện ảnh mang vào từng đoạn phim của mình, lấp lánh góc nhìn nhân bản. Đó là những bài học, bài tập hữu ích cho cuộc góp mặt vào nền điện ảnh non trẻ của thành phố, của cả nước, để chúng ta, những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam, từ những thước phim ngắn ngủi trên, có quyền mênh mang từng tia hy vọng…
THẢO PHẠM