Tín hiệu tích cực từ sản xuất nông nghiệp ĐBSCL

ĐBSCL đang bước vào đỉnh hạn, mặn giữa tháng 4, với độ mặn còn khá cao nhưng dự báo từ sau 15-4, mặn xâm nhập ở các cửa sông Cửu Long sẽ giảm nhanh, thuận lợi cho sản xuất vụ hè thu, phục hồi các vườn cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản.

Trong hạn mặn năm nay, thành công của vụ lúa đông xuân là niềm vui lớn. Thành công ấy có được chính nhờ sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành và địa phương, sự cố gắng và sáng tạo của nông dân. Phát huy kết quả đạt được của vụ đông xuân, Bộ NN-PTNT đã và đang nỗ lực phối hợp chặt cùng các địa phương tiếp tục tổ chức sản xuất tốt vụ hè thu, thu đông 2020. Qua đó, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tận dụng cơ hội về thị trường tiêu thụ để nâng cao thu nhập cho nông dân. Dự kiến, vụ hè thu 2020, toàn vùng Nam bộ sẽ gieo sạ hơn 1,627 triệu ha, năng suất ước đạt 56,41 tạ/ha và sản lượng 9,181 triệu tấn, trong đó, ĐBSCL gieo sạ 1,539 triệu ha và Đông Nam bộ gieo sạ 88,5 ngàn ha, góp phần cùng với cả nước tạo ra nguồn lực đẩy lùi dịch Covid-19. 

Hạn mặn kéo dài thời gian qua gây không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống, nhưng lại là điều kiện thuận lợi để diêm dân các tỉnh tăng cường sản xuất muối. Không chỉ trúng mùa mà hiện tại diêm dân còn bán muối được giá. Hiện giá muối đen được thương lái mua tại ruộng 800 - 900 đồng/kg, muối trắng 1.200- 1.500 đồng/kg. Với giá này, diêm dân thu lãi 30 - 45 triệu đồng/ha.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, thì một tín hiệu tích cực nữa là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã khởi động trở lại, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại thị trường Mỹ, EU có chiều hướng gia tăng. Tính đến nửa đầu tháng 3-2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khi vào năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này sụt giảm. Đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, nhưng những động thái khởi sắc từ một số thị trường lớn giúp cho các doanh nghiệp có thể nhận ra những tín hiệu tích cực trong thời gian tới, đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, nhiều kế hoạch, chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu về nông nghiệp ở ĐBSCL cũng đang được các bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai. Đó là chương trình cấp quốc gia về dự trữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho vùng; Tiếp tục đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng hợp lý nhằm ứng phó với hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, phòng chống ngập úng; Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết; Xác định các giống cây trồng, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu chọn lọc, lai tạo những dòng, giống cây trồng chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, phèn, mặn, ngập; Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn quả và biện pháp quản lý tổng hợp…

Có thể nói, đây là chìa khóa để chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL từ thuần túy sản xuất theo số lượng sang tập trung vào chất lượng, ít hơn nhưng sạch hơn, giá trị cao hơn, đa dạng hơn; xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu cây trồng khác, rồi mới tới lúa, đồng thời, xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên để đưa sản xuất nông nghiệp ĐBSCL ngày một bền vững.

Tin cùng chuyên mục