Nhận diện thị trường lao động TPHCM

Tính bất ổn còn cao

Tính bất ổn còn cao

Theo các chuyên gia lao động, tuy phát triển khá sôi động và phong phú nhưng thị trường sức lao động ở TPHCM đang bộc lộ sự thiếu ổn định, khập khiễng về cơ cấu và chất lượng lao động. Vì sao? Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hoạt động đào tạo nghề chưa gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động. Kết quả khảo sát của Sở LĐ-TB-XH TPHCM mới đây cho thấy 60% doanh nghiệp không hài lòng về lao động đã qua đào tạo nghề.

Tính bất ổn còn cao ảnh 1

Nhiều lao động thất nghiệp tìm kiếm thông tin việc làm tại Hội chợ việc làm TPHCM. Ảnh: K.B.

Những lý do chưa hài lòng là thiếu kinh nghiệm, chuyên môn (38%), thiếu hiểu biết về các khía cạnh kinh tế, điều kiện sản xuất kinh doanh (15%), trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu (20%), kiến thức phổ thông hạn chế (20%)… Đó là chưa kể những lý do khác như ít động lực, năng suất làm việc thấp, không có tinh thần trách nhiệm… cũng khiến người sử dụng lao động không hài lòng.

Khảo sát về thực trạng việc làm cũng cho thấy tính ổn định không cao. Chỉ có 30% có ý định gắn bó lâu dài với công việc, 30% có tâm lý dao động muốn chuyển đổi công việc khác vì lý do việc làm, thu nhập chưa phù hợp với nguyện vọng, số còn lại 40% thì chưa xác định được thời gian làm việc ngắn hay dài. Về chọn nghề học và việc làm, có đến 40% cho rằng mình chọn nghề học không phù hợp nên việc làm chưa ưng ý.

Sự bất ổn của thị trường lao động còn thể hiện ở chỗ tỷ lệ dịch chuyển lao động, mất việc làm khá cao. Ngoài nguyên nhân do chính sách tiền lương chậm đổi mới thì việc TP thiếu chính sách chăm lo, đãi ngộ người lao động cũng dẫn đến tình trạng mất lao động, chảy máu chất xám. Trong xu thế cạnh tranh gay gắt về nguồn tuyển lao động, TPHCM không tạo được lợi thế thu hút lao động vì thiếu các chính sách xã hội như đầu tư về nhà ở, chăm lo phúc lợi cho lao động nhập cư.

Vì thế, trong khi các khu chế xuất, khu công nghiệp mọc thêm, mở rộng quy mô hoạt động, cần tuyển thêm nhiều lao động, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài tìm không ra nguồn. Hàng năm các khu chế xuất-khu công nghiệp tại TPHCM có nhu cầu tuyển mới và thay thế khoảng 30-40 ngàn lao động nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm chỉ cung ứng được khoảng 1/3. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết trong quý 1-2006, thị trường lao động ở TPHCM có nhu cầu tuyển dụng 150 ngàn lao động kỹ thuật và phổ thông. Thế nhưng, tỷ lệ kết nối giữa việc và người thấp.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật tay nghề, chất xám là do TP thiếu chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản. Là một đô thị lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng TP chưa có quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, dạy nghề nhằm trợ giúp thanh niên vay vốn tìm việc làm, đầu tư học nghề trước khi tìm việc làm.

Với xu thế phát triển, công nghệ sản xuất thay đổi từng ngày, nguồn nhân lực phải thay đổi và thích ứng nhanh với đòi hỏi của thị trường.Vì thế TPHCM phải có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật cao làm ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị cao, từng bước khẳng định thương hiệu Việt Nam. Để làm được điều này, TP phải quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề, chọn và đầu tư thỏa đáng cho một số trường nghề trọng điểm có uy tín, năng lực.

Những cơ sở dạy nghề này sẽ tập trung đào tạo những ngành nghề mũi nhọn, đặc thù và lao động có trình độ cao cho TP. Bên cạnh đó, để hướng thị trường sức lao động ở TP phát triển lành mạnh, TP phải đầu tư xây dựng trung tâm thông tin để dự báo, định hướng chuẩn xác về xu hướng tuyển dụng, ngành nghề xã hội đang cần, học ngành nào ra trường dễ có việc làm.

HOÀNG ANH

Tin cùng chuyên mục