1. Nhắc đến bà tôi, tụi nhỏ thường rúm ró lại, bởi lẽ trong nhà, bà là người nghiêm khắc nhất. Đã ngoài 80 tuổi, nhưng nếu nói về sức khỏe và sự minh mẫn thì con cháu có khi còn phải nể bà đôi ba phần. Ba má tôi vẫn bảo, nhờ tuổi trẻ lam lũ nuôi 8 đứa con “bằng đầu bằng cổ”, lớn lên thành người tử tế cả, nên giờ bà có sức khỏe dẻo dai tới vậy, đó cũng là cái phước của con cháu. Chính vì thế, dù có hay bị bà chỉnh đốn từ lời ăn tiếng nói tới cách đi dáng đứng, tôi vẫn hềnh hệch cười rồi tiếp thu chứ chẳng buồn bà bao giờ.
Nhìn bà “cứng rắn” với con cháu vậy chứ cả đời chưa bao giờ thấy bà to tiếng với ông. Kỳ thực, bà tôi đúng thiệt là mẫu người phụ nữ Việt Nam xưa vậy đó, “dữ dội với cả thế giới chứ với chồng thì êm đềm đến lạ”, tôi thường ghẹo, bà lại tủm tỉm cười.
Khi tôi còn nhỏ, ba má đi làm xa, vài tháng mới về một lần, tuổi thơ tôi gắn liền với làng quê, với ông bà, với những điều bình dị mà đẹp đẽ. Ông tôi là người kiệm lời, tính tình hiền lành và quan trọng là yêu chiều bà vô cùng. Mỗi sáng chừng 7 giờ hơn chút, ông lại lững thững ra ngõ, hôm bánh bao, hôm cháo phở, hôm lại bánh giò, cứ đều đặn như vậy, ông mua rồi đem về gọi bà dậy ăn, lương hưu của ông đầu tư “toàn tập” vào việc chăm bà.
Lười chăm cây nhưng bà tôi lại đam mê vô cùng với việc mua hoa về trồng. Hôm thì luống hồng leo, hôm cây hoa mộc, vài hôm lại có mấy nhánh cúc vàng mới, cứ vậy thành ra bà kết thân với cô bán cây cảnh dạo, hễ có loại nào mới là cô bán cây đi qua lại gọi rồi bê vào cho bà. Tất nhiên ông là người trả tiền và không quên nhiệm vụ khen bà có mắt thẩm mỹ, rồi lật đật đi lấy cái xà beng xới đất, thêm ít nước tưới. Chẳng bao giờ bà phải cầm vào bình tưới, vậy mà vườn cây của bà cứ tươi tốt, khỏe mạnh, đơm hoa hết năm này qua năm khác, là nhờ có đôi bàn tay của ông.
Bà thì có nhiều hơn một thú chơi cây. Bà thích trồng dăm ba luống cải trong thùng xốp, bà thích mèo nên nuôi tới 3 đứa lận, đều nhường phần cho ông chăm. Bà thường gọi tụi nó là con rồi xưng má, ông cũng cười tếu táo: “Thế là tui có thêm 3 đứa con mà không cần đẻ hen”. Thi thoảng, bà lại đam mê một bộ phim Hàn Quốc nào đó, xem miết rồi tới đoạn cao trào lại sụt sùi khóc, ông chẳng biết làm gì, nắm thật chặt tay bà, rồi run rẩy dỗ dành. Nhiều năm nay, cứ lặp đi lặp lại có vậy mà ông bà vẫn hạnh phúc. “Với ông, bà vẫn là cô bé thôi”, thi thoảng ông lại trìu mến nói về bà như vậy.
2. Nhớ tới ông bà, tôi ngẫm lại tình yêu của người trẻ bây giờ, mọi thứ đến dễ dãi và đi cũng dễ dàng. Vài người, họ tỏ ra yêu nhau dào dạt, làm những thứ thiệt lố chỉ để cho cả thế giới trầm trồ, hứa hẹn với nhau thật nhiều, rồi dăm bữa nửa tháng lại bỏ nhau. Người ta vấp ngã nhiều, đau nhiều, rồi lại bảo nhau: Ngày nay đâu còn thứ gọi là tình yêu. Thực ra tình yêu vẫn luôn tồn tại, nó mang hình hài bình dị và gần gũi lắm, chứ không phải là những điều xa vời mà người ta cứ mải miết chạy theo…
“Bà chỉ mong trời thương cho bà đi trước ông, chớ nếu ông đi trước, chắc bà sống không nổi”, bà tôi chậm rãi nói về điều người ta thường né tránh đề cập ở cái tuổi bóng xế. “Sao tự nhiên bữa nay bà lại nói kỳ ghê, thế bà nghĩ vắng bà, bộ ông sống tiếp vui hay sao?”. Đúng lúc ông bước vào, có lẽ ông cũng nghe thấy câu chuyện của hai bà cháu. Ông vẫn lặng thinh, đưa cho bà ly nước cam vừa vắt. Chiều nào cũng vậy, ông đều đặn vắt 2 trái cam ngọt, một muỗng đường, xíu nước mát hòa lên rồi đưa bà uống, ông thường bảo bà: “Uống nhiều cam cho khỏe mạnh nghen”.
Thế rồi, ngày ấy cũng đến…
Mấy lần cô bán cây dạo qua, gọi mãi nhưng không thấy tiếng bà, 3 con mèo cũng chẳng lăng xăng như thường ngày, chỉ nằm im, mỗi đứa một góc. Mấy luống hồng góc vườn bỗng ủ rũ, trĩu xuống như mang nhiều tâm sự. Bà đi rồi, một trận bệnh nặng đã cướp bà đi mãi mãi. Bà đi đột ngột quá.
Đôi vai cao lớn của ông bỗng chùng xuống. Dáng vẻ nhanh nhẹn ngày nào nay cũng chậm chạp lại. Nhà cửa im lìm, đìu hiu tới tê tái. Sáng nào cũng vậy, ông lủi thủi ôm cái radio cũ kỹ, hôm thì mang theo cái xô nhỏ, hôm lại ôm mấy luống hoa, ông ra mộ bà trồng cây, tỉa lá. Ông sợ bà cô đơn…
Ngày thất tuần bà, con cháu về tề tựu đông đủ cả, nhưng vậy cũng chẳng đủ làm vơi đi sự mất mát quá đỗi to lớn trong ông. Các chú dì đều tỏ ý muốn đón ông về ở chung vì thấy ông cứ sống lủi thủi, lo rằng nhỡ ông có ốm đau bệnh tật không có người kề cạnh. Nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông bảo, hãy để ông sống phần còn lại theo cách ông muốn. Sâu thẳm bên trong, ông không muốn rời ngôi nhà này bởi nhà là kỷ niệm, nhà là bà, là điều hạnh phúc nhất đời ông.
Hóa ra, có thứ tình cảm bên ngoài tưởng chừng giản dị, nhẹ nhàng mà bên trong lại cháy âm ỉ, không điều gì có thể dập tắt được. “Hôm qua, ông mơ thấy bà, bà trách sao ông không chăm mấy luống hồng và cả 3 con mèo”, ông chậm rãi nói rồi lật đật ra lấy cái xà beng, cùng xô nước tưới vườn cây ở góc sân. Vừa hay bữa nay trời trong xanh nắng ráo, ông rủ tôi đem “3 đứa con không cần đẻ” của ông bà ra tắm táp. Vừa tắm ông vừa ghẹo: “Đứng yên ba tắm cho sạch không má lại la nghen”.
Đã rất lâu rồi, nụ cười mới lại xuất hiện trên gương mặt ông. Ông đùa với mấy con mèo như ông đã từng làm lúc bà còn sống. Ông cặm cụi quét lại từng ngóc ngách trong nhà, lau từng kỷ vật bà để lại. Ông tin rằng ở đâu đó, bà vẫn dõi theo ông, mong ông sống khỏe mạnh và thiệt hạnh phúc. Đôi khi chỉ cần đức tin đó thôi, người ta đã đủ mạnh mẽ để sống tiếp…