Tình người qua phố


Nắng tá hỏa tam tinh, vừa dựng xe trái cây lại chỗ mát, cô buột miệng: “Trời này, phải mưa một, hai cây mới hạ nhiệt nổi, hôm qua tui nghe đài kêu nhiệt độ ba mấy gần bốn chục độ mà”. 
Tình người qua phố

Chú bán cơm, đang gom mớ chén, dĩa khách vừa ăn xong, đáp lại: “Bà khéo lo, ít bữa ổng vô mùa mưa, lo mà chạy hông kịp chứ ở đó mà than nắng”. “Nắng cũng hông ưa, mưa cũng hông chịu, thiệt khổ với mấy ông mấy bà. Mà bữa nay qua cữ trưa là hết sạch, trúng mánh hen ông Tư, bà Năm. Thôi tui đi rước khách à”, cả nhóm người cười khà khà, rồi bác xe ôm lật đật chạy đi đón khách.

Mấy anh, chị văn phòng vừa xong bữa cơm trưa, người xách bịch trái cây, người cầm theo ly nước sâm giải nhiệt. Hết giờ nghỉ trưa, khách văn phòng trở vào làm việc thì xe chè, xe trái cây, gánh cơm, gánh bún… cũng vơi gần hết. Ai nấy lo thu dọn lần lần. Có lẽ không ai hiểu cái nắng gay gắt bằng những người mưu sinh tảo tần này, chưa kể bữa đắt bữa ế cũng vô chừng, nên cái chuyện nắng mưa của ông trời cũng quan trọng lắm. 

“Bả than nắng vậy đó bây ơi, chứ mưa mệt lắm, kiếm chỗ núp không kịp là coi như xong, hết buôn bán gì được”, nói đoạn chú bán cơm gom đồ đạc lại, gánh cơm còn chừng hai dĩa nữa, gương mặt rám nắng, mồ hôi nhễ nhại nhưng lại bừng sáng với nụ cười của một bữa bán đắt hàng. Bữa nào học thầy cho ra trễ, ghé ăn cơm quá cữ trưa, lật đật chạy ra thấy chú Tư còn chờ là trong bụng mừng húm. “Tao biết bây ra trễ nên ngồi chờ, còn một dĩa với chén canh rau, tao để bây ăn cho mát”, nghe chú Tư nói mà mát ruột mát gan, lật đật ăn lẹ để chú còn dọn về.

Có bữa ăn cơm, rồi ăn trái cây, tôi ngồi lại tán dóc với mấy cô chú cả buổi trời, một góc đường, chút bóng râm vậy là đủ hợp thành một “nhà hàng di động” từ cơm, bún tới chè, trái cây, cà phê sữa đá. Trời nắng vầy, cực chẳng đã người ta mới ra ngoài cữ trưa, người ngoài đường dường như cũng vội vàng hơn. Bác Ba xe ôm lật đật hối: “Làm tui ly cà phê bà Năm, bữa sau tui ghé đưa tiền nghen, đi đón khách lẹ chứ nắng quá để người ta chờ lâu, mất khách”. Cô Năm kể: “Làm như trời nóng vầy người ta cũng cộc tánh hơn hay sao á, có bữa nắng rồi mệt quá cũng quạu luôn, ổng mua thiếu, cô la quá trời, rồi về nhà nghĩ lại thấy ngại, bữa sau mời ổng ly cà phê, mấy ông bà bán kế bên ráp nhau cười tao rần rần bây”. 

“Nhà hàng di động” nhỏ xíu, nắng nóng vầy ngồi chừng chút là mồ hôi ướt áo, nhưng là chén cơm, là cuộc sống mưu sinh mỗi ngày nên ai cũng ráng. Khách đông quá mà hễ chút trái ớt, chốc lát miếng chanh, thêm nước mắm, thêm chén canh… làm không kịp, chú Tư cũng bực, mặt ổng quạu dòm thấy rõ, tới lúc dọn dẹp, cô Năm làm phụ mà ổng nói chuyện cụt ngủn. 

Mấy bữa nắng này, chú Tư hay nấu canh rau bán. Vừa dọn gánh cơm ra, dòm qua thấy cô Năm giở cà men cơm trưa, chú Tư lật đật bưng qua chén canh rau tươi xanh, nóng hổi: “Qua khách đông lu bu quá tui quạu, đừng buồn nghen bà Năm”, vậy là hai ông bà cười tươi rói. 

Có lẽ cũng không riêng gì ai tảo tần buôn gánh bán bưng ngoài trời, thời tiết dường như cũng làm tính tình người ta bị xáo trộn đôi chút. Ngã tư, ngã sáu xe đông, nhiều khi va chạm có chút xíu, lời qua tiếng lại mà không nhịn được thể nào cũng lớn chuyện. Cảm giác như thể cái nắng trên đầu cũng làm người ta nóng tính hơn, rồi chút chuyện nhỏ cũng nhảy vào nhau lớn tiếng.

Dưới cái nắng chói chang của thành phố mùa này, mấy thùng trà đá miễn phí phát huy tác dụng hơn bao giờ hết. Trên mấy góc đường hay phía trước một tòa nhà nào đó, thỉnh thoảng chú bảo vệ hay một người hảo tâm lại ra thăm chừng, rồi châm thêm đá, thêm trà. Chuyện những gánh hàng rong cũng không có gì lạ, bữa đắt thì ăn sang theo kiểu bán đắt, còn ế thì ăn giùm nhau dĩa cơm, ly chè, không tiền mà đói bụng thì ăn chịu, ghi sổ, bữa sau có tiền thì trả. Chuyện đời lắm nỗi, dù nhà hàng sang trọng hay những gánh hàng rong tảo tần, tựu chung vẫn là một phần của nhịp sống, một phần hồn cốt của đô thị nơi này. Nhiều khi người ta mặc áo vest, đi giày tây sang trọng nhưng vẫn tìm cho ra một gánh bún riêu vỉa hè cũng vì cái hương vị, cái không gian ngồi không lẫn vào đâu. Trời nóng, tình vẫn tràn, là vậy!

Tin cùng chuyên mục