

Một hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 (ảnh minh họa).Ảnh: THÙY VY
Cách đây gần ba mươi năm, thuở mới về làm dâu Sài gòn, mỗi khi đi đâu về tôi thường hay nhầm hẻm bởi chúng cứ na ná nhau. Nhà tôi ở trong một con hẻm nhỏ, đường xi măng loang lổ, tại quận 5. Từ lâu lắm rồi, ở phía trước nhà, mạnh ai nấy chiếm một khoảng đất công làm mảnh sân riêng nên con hẻm cứ như một bức tranh lập thể, chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ thò ra, chỗ thụt vào nhưng chẳng ai mích lòng ai. Hầu như nhà nào cũng là nhà trệt nhỏ, đông con, nhiều thế hệ cùng sống nên thông cảm cho nhau. Cư dân trong xóm đa phần là người Việt, gốc Hoa, làm đủ thứ nghề thể hiện qua những gọi tên như ông Hai thợ mộc, anh Tư xì dầu, cô Ba đậu nành... Sáng sáng gặp nhau vui vẻ hỏi thăm “chủ sành”, “ăn cơm chưa”... rồi ai nấy lại tất tả với công việc hàng ngày, lo toan cơm áo.
Tôi vốn con gái nhà quê, lúc đầu hơi bỡ ngỡ nhưng rồi cũng hòa nhập khá nhanh vào đời sống nơi con hẻm này. Giống như lúc ở quê, tôi cũng chạy sang nhà hàng xóm xin trái ớt, mượn trái chanh. Chiều chiều bế con ra trước nhà, tôi vừa đút cho con ăn vừa “giao lưu” với các bà hàng xóm. Bận đi đâu, tôi có thể nhờ con bé nhà bên trông em một lát. Cuối tháng, chị hàng xóm sang mượn tạm ít tiền. Đôi giày đã chật của đứa trẻ nhà này có thể chuyển cho đứa trẻ bé hơn ở nhà bên mà người nhận không hề tự ti, mặc cảm... Suốt những năm 80, trong hoàn cảnh khó khăn, tình cảm của những cư dân ở con hẻm cứ chan hòa như vậy.
Đời sống kinh tế khá dần, những ngôi nhà cao tầng lần lượt mọc lên thay dần những căn nhà trệt cũ. Các khoảnh sân với hàng rào lưới thấp tam bợ xưa được xây kiên cố bằng gạch hẳn hoi, lại thêm giàn cửa sắt kín mít cao quá đầu người. Các bậc cha mẹ bận rộn kiếm tiền, con em được đầu tư cho tương lai đến nỗi phờ người vì học, hàng xóm có khi cả tháng chẳng thấy được mặt nhau. Vui vì nếp sống được nâng cao nhưng cũng chạnh lòng nhớ lại những buổi chiều bắc ghế ra sân cùng râm ran trò chuyện...
Một buổi họp, rồi nhiều buổi họp, mỗi người một ý, cuối cùng con hẻm cũng được giải tỏa phần lấn chiếm và nâng cấp. Người hài lòng trước con hẻm rộng đẹp hẳn ra, kẻ tiếc nuối mảnh sân riêng đã mất nhưng ai cũng nhận thấy được những thay đổi tích cực. Mở tường rào như mở lòng ra, hàng xóm bỗng gần gũi, thân thiết trở lại như xưa. Một công viên nho nhỏ được xây ngay trong ngõ hẻm, nơi chiều chiều những người đàn ông lại râm ran chuyện trò và chập tối các bà nội trợ rủ nhau bách bộ cải thiện vòng eo...
NGUYỄN THỊ CẨM
(158/14 Huỳnh Mẫn Đạt - P3 - Q5 - TPHCM)