Tình thương giúp đổi đời người khuyết tật

Bằng tình thương, sự chăm lo từ gia đình và cộng đồng xã hội, nhiều người khuyết tật (NKT) đã dần tự tin nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Tình thương giúp đổi đời người khuyết tật

Bằng tình thương, sự chăm lo từ gia đình và cộng đồng xã hội, nhiều người khuyết tật (NKT) đã dần tự tin nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

…Cứ khoảng 16 giờ, người dân sống tại hẻm 243 Hoàng Diệu (phường 4, quận 4, TPHCM) lại thấy bà Từ Hữu, 70 tuổi, bước từng bước một trước sân nhà dìu cô cháu ngoại tật nguyền Tạ Minh Châu (13 tuổi). Ngày bé Châu ra đời, cả nhà điếng người khi bác sĩ nói bé bị bệnh não chậm phát triển. “Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, trẻ khuyết tật càng khó hơn. Nhưng bằng tình yêu thương, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua thử thách”, bà Từ Hữu nói. Mỗi bước phát triển của bé Châu là cả một kỳ công của gia đình. Và thành quả sau 13 năm, từ một cô bé không biết khóc, không biết ngồi, tay chân co quắp, bé Châu dần lớn lên với cơ thể khỏe mạnh, đã tự ngồi, chập chững đi, biết gọi bà, ba, mẹ cũng như thể hiện cảm xúc của mình... Giờ đây, hàng ngày, Minh Châu được đi học ở trung tâm trẻ khuyết tật để được học hỏi và điều trị nhiều hơn.

Nhờ tình yêu thương của gia đình, bé Minh Châu đã có thể đi lại

Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, vốn nhiều ưu tư khi nhận thấy hiện nay nhiều bà mẹ ngay sau sinh, thấy con bị khuyết tật thì mang bỏ trước các trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện, nhà chùa… vì nghĩ nếu để trẻ ở nhà thì sẽ là gánh nặng gia đình. Thực tế, các trung tâm, nhà mở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật phải chăm sóc cùng lúc rất nhiều trẻ nên thường sẽ không chu đáo, sâu sát bằng khi trẻ được ở cùng cha mẹ và ông bà. Bà Khánh xúc động kể :“Nhiều lần đến thăm trẻ khuyết tật tại các trung tâm, nhiều trẻ bệnh nặng lắm, chỉ nằm một chỗ, không biết gì. Nhưng khi được tôi và những người khác vuốt ve, ôm vào lòng thì ánh mắt trẻ sáng ngời. Điều này cho thấy, trẻ dù bệnh nhiều hay còn nhỏ thì cũng đều cảm nhận được tình thương yêu. Và chỉ tình cảm của người cha, người mẹ mới có thể tiếp sức giúp trẻ khuyết tật vượt qua bệnh tật, có cơ hội phát triển”.

Theo phân tích của các chuyên gia nuôi dạy trẻ khuyết tật, từ khi lọt lòng đến khoảng 6, 7 tuổi, trẻ khuyết tật sẽ phát triển tốt khi ở cùng cha mẹ, được cha mẹ giúp phát triển các kỹ năng. Sau 7 tuổi, gia đình nên đưa trẻ vào các trung tâm để được học tập bài bản, hòa nhập cộng đồng. Khi người khuyết tật được giao tiếp, học tập với các giáo viên có chuyên môn, vừa được điều trị bệnh lại vừa nhận được tình yêu thương của gia đình thì khả năng phục hồi của người khuyết tật sẽ cao hơn.

Trong hoạt động của mình, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM còn cố gắng hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua việc dạy nghề, tạo việc làm. Nhiều người khuyết tật sau khi học nghề đã tự mở cơ sở, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã dành một số vị trí trong công ty để nhận người khuyết tật vào làm việc. Đây cũng chính là cách doanh nghiệp cùng cộng đồng xã hội chung sức chăm lo, tạo điều kiện để người khuyết tật vượt qua mặc cảm bản thân, nỗ lực tự vươn lên trong cuộc sống.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục