Không gì thi vị bằng khi con người được trở về đằm mình trong văn hóa cội nguồn. Như con chim thiên di phương xa trở về nơi tổ ấm sinh thành. Vì vậy, khi đọc những chùm thơ của nhà thơ Vũ Thanh Thủy từ đất Tổ, nhất là những bài thơ chị viết về không gian văn hóa đặc biệt này tôi luôn thích thú: Truyện Văn Lang bay lan đồng ruộng/ Những tiếng cười nở bung miền văn hóa/ Vùng đất cội nguồn rơm rạ cưới ngô khoai/ Truyện Văn Lang bay lan đất nước/ Mong ước lâu dần tích tụ hóa hài vui/ Ai dừng chân Phú Thọ nhớ mua kho sảng khoái làng tôi...
Là người yêu say mê lịch sử, văn hóa truyền thống, nhà thơ Vũ Thanh Thủy cũng xót xa trước sự mai một, mất mát của di sản vùng đất này: Hòn Chẹ oằn mình đau đớn khóc thiên nhiên/ Có còn một bến sông hiền hòa xuôi chảy/ Đá vỡ đêm đêm ùng ục bởi bom mìn. Và mấy ai nhận ra Giọt mắt đá ngầu lên màu bất lực vì sự tàn phá môi trường sinh thái đáng báo động không chỉ ở vùng đất Tổ mà còn nhiều nơi trên khắp đất nước.
Trong tập thơ Lối sen sương, ngoài tình yêu đất Tổ nguồn cội thì Vũ Thanh Thủy còn dành nhiều tình cảm cho gia đình, người thân, đặc biệt là hình ảnh người cha gắn liền với những kỷ niệm vui buồn. Không sa đà vào kể lể chung chung, hình ảnh người cha kính yêu trong thơ Vũ Thanh Thủy hiện lên ở những ngữ cảnh khác nhau tạo thành bức tranh liên hoàn: Cha dời Hàng Bông ngược rừng gánh nặng nghĩa trăm năm/ Chuyến xe ly hương dần mờ xa khuất/ Đất mới vỡ hoang cha giấu kỹ phận mình, bởi vì Cha nguyện làm người tỉnh lẻ/ Từ khi hiểu mẹ thăng trầm…
Đến nay, nhà thơ Vũ Thanh Thủy đã xuất bản 4 tập thơ và được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020. Vũ Thanh Thủy là tác giả đầu tiên in một số bài thơ 1-2-3 trong tập thơ của mình có tên Chợ tan dong cái nhớ do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 3-2021, trước khi trở thành nhà thơ đầu tiên ở phía Bắc tiên phong xuất bản nguyên tập thơ 1-2-3 Lối sen sương mùa xuân 2022.