Với dự án “Thiết bị di chuyển chuyên dụng vượt địa hình cho người già và người khuyết tật”, hai học sinh Nguyễn Hoàng Ngân (lớp 12 chuyên Toán), Phạm Thanh Trúc (lớp 12 chuyên Anh) của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã giành giải ba thuyết phục tại cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc tế - Intel ISEF 2016 - vừa diễn ra tại Mỹ.
Nguyễn Hoàng Ngân, Phạm Thanh Trúc với niềm vui giành được giải ba
Khó có thể diễn tả niềm vui, niềm tự hào về thành quả mà đoàn học sinh Việt Nam, trong đó có hai học sinh của TPHCM, đã gặt hái được tại đấu trường quốc tế Intel ISEF (có sự tham gia của gần 1.800 học sinh đến từ 77 quốc gia, với 1.334 sản phẩm sáng tạo về nghiên cứu KHKT). Chia sẻ niềm vui còn nóng hổi, Phạm Thanh Trúc và Nguyễn Hoàng Ngân cho biết: “Cọ xát, trải nghiệm với sân chơi sáng tạo rộng lớn này, chúng em không chỉ được truyền cảm hứng mà còn giao lưu, học hỏi được nhiều điều từ cuộc thi, từ bạn bè năm châu”.
Là một trong 4 dự án của đoàn Việt Nam giành giải ba tại Intel ISEF, đề tài “Thiết bị di chuyển chuyên dụng vượt địa hình cho người già và người khuyết tật” không chỉ gây ấn tượng với ban giám khảo mà còn tạo sự ngạc nhiên, thích thú đối với nhiều học sinh quốc tế đến tham quan. Sự độc đáo của sản phẩm chiếc xe lăn sử dụng bánh xích, có thể leo cầu thang lẫn địa hình phức tạp, có nhiều tiện ích, tạo sự an toàn dành cho người già, khuyết tật đã thuyết phục ban giám khảo. So với các sản phẩm xe lăn leo cầu thang đang có mặt trên thị trường quốc tế với giá thành khoảng 17.000USD/cái thì giá thành mà hai bạn đưa ra chỉ tầm 800USD/cái. Xuất phát từ ý tưởng nhân văn, giúp người già và người khuyết tật ở Việt Nam có điều kiện hòa nhập vào cộng đồng trong điều kiện cơ sở hạ tầng ở nước ta chưa đáp ứng, rất ít nơi có đường đi dành riêng cho người khuyết tật, Hoàng Ngân, Thanh Trúc đã dành hết đam mê, tâm huyết cho đề tài này.
Suốt gần một năm đầu tư từ ý tưởng đến hoàn thiện sản phẩm và giành giải cao tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia, “hai nhà khoa học trẻ” đã phối hợp ăn ý trong hành trình - từ thu thập tài liệu, mày mò tìm kiếm nguyên liệu, nghiên cứu kỹ thuật… đến hình thành sản phẩm. Không thể tả hết cực nhọc, khó khăn khi Thanh Trúc phải đọc, tra cứu hàng núi tài liệu bằng tiếng Anh để tham khảo về các sản phẩm xe lăn leo cầu thang đã có mặt trên thế giới. Không thể đo đếm được thời gian, công sức mà Hoàng Ngân đã bỏ ra để tìm hiểu về yếu tố kỹ thuật - “cân bằng động”, thiết kế sản phẩm xe lăn vượt địa hình bằng bánh xích sao cho an toàn, không bị ngã… Vừa dành thời gian nghiên cứu khoa học, vừa phải đảm bảo việc học, thi cử cuối cấp nhưng hai bạn trẻ vẫn nuôi dưỡng đam mê. Và từ sự kiên nhẫn, dám dấn thân cho đam mê, họ đã đưa sản phẩm giàu tính nhân văn, tính sáng tạo ra đầu trường quốc tế, mang về niềm tự hào cho quê hương, đất nước.
Chia sẻ niềm vui vừa đạt được, Hoàng Ngân cho biết: “Với chủ đề “THINK BEYOND” - có nghĩa là “Nghĩ xa hơn”, hội thi Intel ISEF năm nay đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, khuyến khích tất cả học sinh trên thế giới - những người trẻ hãy có ý tưởng sáng tạo, dám dấn thân cho đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Từ thực tế nhìn thấy học sinh của các nước có điều kiện phát triển ý tưởng sáng tạo, được gieo mầm đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ, Hoàng Ngân và Thanh Trúc cũng mong muốn các trường học ở Việt Nam thắp sáng ngọn lửa đam mê này. Và trước mắt, hai em mong muốn lãnh đạo TPHCM hãy đầu tư cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM trở thành hạt nhân nghiên cứu khoa học. Từ cái nôi nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo này, học sinh từ bậc THCS, THPT khắp thành phố sẽ hội tụ về đây để thắp sáng niềm đam mê, tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa.
KHÁNH BÌNH