Tốc họa thời kỹ thuật số

Tốc họa thời kỹ thuật số

Bên lề Lễ hội mua sắm vừa diễn ra tại công viên Tao Đàn, khách tham quan, mua sắm bất ngờ và thú vị trước hai dịch vụ: cắt hình bóng và tốc họa. Bất ngờ bởi hai môn nghệ thuật độc đáo này tưởng đã “tuyệt tích giang hồ”, nay lại tái ngộ giữa thời máy chụp hình kỹ thuật số đang là thời thượng. Thú vị, bởi chỉ cần ngồi làm mẫu 30 giây là đã có một tấm hình cắt và 2 phút sẽ có một bức tốc họa chân dung.

Tốc họa thời kỹ thuật số ảnh 1

Anh Phú Thảo đang cắt hình bóng cho cụ Huỳnh Kim Thanh. Ảnh: N.N.P.

1- Tôi bị ấn tượng ngay khi anh chàng cắt hình bóng nhoay nhoáy cắt hình cho một ông cụ. Chỉ cần 30 giây, anh chàng đã hoàn thành xong phần cắt. Với hai miếng giấy màu vàng và đen chồng lên nhau, chỉ cần vài đường kéo là đã ra hình bóng nhân vật.

Công đoạn còn lại là dán chồng so le hai màu vừa cắt lên một tờ giấy A4. “Nghệ nhân” nhúng bút lông thỏ vào nghiên mực Tàu và… múa bút theo lối thư pháp: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, bên dưới là tên khách hàng và ngày, tháng cùng dấu triện đỏ chói. Ông cụ tên Huỳnh Kim Thanh, 84 tuổi nhưng bảo ghi là… 48 tuổi. Ông cụ ra vẻ mãn nguyện, cầm tấm hình kỷ niệm, chống gậy đứng lên, nhìn mọi người cười giải thích: “Ghi dzầy cho nó trẻ chút đỉnh chơi, hà… hà…”.

Thù lao cho một tấm hình cắt là 10.000 đồng. Tôi động viên thằng con trai ngồi mẫu làm một kiểu kỷ niệm, vừa để tiện cơ hội làm quen với “nghệ nhân” nhưng nó từ chối đây đẩy: “Ba muốn hỏi chuyện thì ngồi đi, kêu con chi!”. Ngồi thì ngồi, sợ gì! Tôi ngồi mẫu và bắt chuyện.

Nghệ danh của “tay kéo” là Phú Thảo, năm nay 35 tuổi nhưng tuổi nghề đã 20! Trước đây, anh theo bạn bè hành nghề ở Thảo Cầm Viên. Đến những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề cắt hình bóng trở nên ế ẩm nên anh chuyển sang buôn bán nhỏ. Mấy năm nay, khi phong trào chơi thư pháp thu hút nhiều người, anh Thảo trở lại với nghề bằng cách kết hợp tay kéo, tay bút cho đỡ “ghiền”. “Nhưng cũng chỉ là nghề tay trái thôi” – anh Thảo nói như tâm sự.

2- Cách gian hàng của anh Phú Thảo chừng trăm thước, gian tốc họa… 2 phút của họa sĩ Phương Nam, nằm dưới một cây sọ khỉ. Một tấm bạt màu nâu treo sát gốc cây, trên gắn những chân dung làm mẫu trưng bày. Mới mở hàng đã có khá nhiều bạn trẻ ngồi mẫu mặc dù giá tốc họa đắt gấp đôi cắt hình. Tôi kiên nhẫn chờ lúc họa sĩ ngơi tay để làm cái việc cũ rích là… bắt chuyện.

Người Quảng Ngãi, năm nay đã 68 cái xuân xanh, họa sĩ tên thật Lê Phương Nam, sống tại một hẻm nhỏ trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (hệ 7 năm) năm 27 tuổi, tính đến nay, ông đã cầm cọ hơn bốn mươi năm. Tốc họa cũng là nghề tay trái của họa sĩ bởi ông chuyên vẽ sơn dầu.

Điều khá đặt biệt là ông không chép tranh như một số họa sĩ lấy đó làm nghề tay trái. Theo như thổ lộ của họa sĩ Phương Nam thì hiện tại ông có hai bức sơn dầu (Dấu lặng và Dưới mưa) đang treo triển lãm tại khu Giảng Võ, Hà Nội. Chuyện trò cởi mở và trẻ trung, ít ai nghĩ ông đã sắp bước vào tuổi cổ lai hy. Họa sĩ nhất định không lấy tiền khi tốc họa cho tôi mà bên dưới ông còn ghi thêm hai chữ “Quý tặng”. Tôi phải nói khá nhiều, ông mới nhận… 50% là 10.000 đồng.

3- Tạm bằng lòng với một buổi sáng cuối tuần thú vị, thế nhưng đến gian hàng thứ 3, tôi không thể không dừng chân. Đây rồi, họa sĩ Vũ Anh, người từng xuất hiện trong chương trình “Những chuyện lạ Việt Nam” của VTV3 với kỷ lục cắt hình… 23 giây! Thay cho những tác phẩm cắt, họa làm mẫu là một tấm bảng, trên đó dán những bài báo, lời giới thiệu viết về ông, như một cách tự giới thiệu. Trong đó, có lời giới thiệu của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn: “Năm 1948 đã cắt hình bóng nghiêng cho đồng chí Lê Duẩn”; “Từ năm 1975 cho đến năm 2004 đã cắt hình Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đồng chí Vũ Oanh - Ủy viên Bộ Chính trị và một số vị bộ trưởng…”.

Tốc họa thời kỹ thuật số ảnh 2

Một sản phẩm tốc họa ... 2 phút hoàn chỉnh.

Sinh năm 1929 tại Lai Châu, họa sĩ Vũ Anh từng học Trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1945 và Trường Võ bị Nguyễn Sơn năm 1946. Năm 1949, ông là cán bộ tham mưu Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Về mỹ thuật, năm 1955, họa sĩ Vũ Anh mở triển lãm đầu tiên tại Bình Dương với mong muốn xây dựng bộ môn tranh giấy trong hội họa và đến năm 1958, ông mở phòng cơ thể học đầu tiên tại miền Nam. Tranh của Vũ Anh từng được chọn trưng bày tại Triển lãm Hội họa quốc tế Kuala Lumpur năm 1960.

…Thằng con trai tôi đã chịu ngồi làm mẫu, sau khi thấy ba nó có được hai tấm hình lưu niệm. Người họa sĩ già bây giờ nhát kéo đã hơi run, không còn điêu luyện mà phải qua đôi lần chỉnh trang lại. Dưới mỗi bức hình cắt hay vẽ chân dung, họa sĩ đều có giới thiệu về kỷ lục cắt hình của ông trên VTV3, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của ông tại Hà Nội. Ông vẫn thường di chuyển khi Nam, lúc Bắc để “tác nghiệp” và có hẳn một gian hàng cố định ở Hội chợ Cần Thơ.

4- Những họa sĩ cắt hình, tốc họa như vài ba dấu lặng giữa ồn ào của một lễ hội mua sắm. Họ ngồi đó, sống với niềm đam mê của mình, vui và hạnh phúc khi thành quả lao động của mình đem lại những nụ cười và niềm vui cho người khác. “Người trẻ như mình cũng chỉ còn đôi ba người giữ được nghề thôi!” – lời tâm sự của anh Phú Thảo như một nỗi niềm. Tôi thầm cầu mong cho những người trẻ như anh giữ được nghề, hơn thế, sẽ truyền được nghề.

NGUYỄN NAM PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục