Thời sinh viên, tôi nắn nót viết vào trang đầu tất cả những cuốn sổ tay của mình cái câu mà tôi đã thuộc nằm lòng: “Cái quý nhất trên đời là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi ân hận xót xa vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi phải hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể nói rằng: Tất cả đời ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp vĩ đại nhất trên trái đất này: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”.
Và tôi luôn có ước muốn tìm thấy một Paven Coocsaghin nào đó trong thành phố này. Nhất định tôi sẽ là Rita, sẽ cố sống sao cho được như Rita. Nhưng rồi, sau 4 năm đợi chờ và cả… lùng sục, tôi thất vọng vì hình như chẳng có một Paven nào dành cho mình cả. Rồi tôi cũng có bạn trai. Anh ấy thực tế và nghiêm khắc: yêu là nghĩa vụ, tình là trách nhiệm. “Tự xử lấy đi. Tự cân nhắc đi. Lớn rồi, có thể trên mây trên gió, như phong như tuyết lại như sương được mãi không?
Đã lựa chọn cái cao vời mộng tưởng thì… chay tịnh hẳn đi. Mà đã Đời, đã Tục thì đừng có mà lơ lửng! Mà liệu có thay đổi được gì không? Cuộc đời nó là bê tông cốt thép đấy. Em mong manh, ẻo lả như một thứ cỏ rả trong biển cỏ miền Tây như thế, có dám đấm nát tay trước cánh cửa cuộc đời không… Tôi chỉ mong em sống một cuộc sống bình thường thôi”. Tôi nghe anh nói ba tiếng bình thường thôi mà rùng mình! Cuộc đời, lẽ nào chỉ là như thế?
“Sẽ chẳng có một Paven nào trong cuộc đời này”, suy nghĩ đó dần hình thành và ngày càng rõ nét. Rồi tôi ra trường, đi làm như bao người cần có một công việc làm. Trong một chuyến đi thực tế ở ngã Bảy Phụng Hiệp Sóc Trăng, tôi đã gặp một người đàn ông què cụt, tứ cố vô thân, nhưng nghe người dân nói anh ta đã ròng rã gần ba chục năm trời tha cái chân teo và cây nạng gỗ đi khắp các nhánh sông lặn hụp mò phế liệu, trục vớt ghe tàu, nông sản và cả người chết đuối với sự tận lòng hiếm thấy của một người lành lặn.
Đồng tiền kiếm được, một phần nhỏ anh lo cho mình, còn lại, anh sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khó mà không đòi hỏi gì ở họ. Một lần khác, ở một ngôi làng heo hút giữa núi rừng Tây Nguyên, tôi đã ngồi nghe người đàn ông nghèo và hoàn toàn lành lặn sống cạnh làng Cùi kể chuyện về những đêm anh lội bộ cắt rừng vượt gần ba mươi cây số để đưa những sản phụ làng Cùi ra trạm xá “vượt cạn”, những ngày nắng cháy anh trầy lưng cố đào cái giếng tìm nước ngọt cho làng…
Anh kể về những nghĩa cử đó cứ tự nhiên như làm việc nhà mình, như là việc phải làm, dù chẳng ai nhờ vả cũng chẳng ai biết cảm ơn… Ở TPHCM, tôi cũng gặp một vị tổ trưởng dân phố, vốn là đại tá về hưu. Không biết ông làm việc như thế nào mà bà con trong tổ nhắc đến ông thành kính như một vị thánh. Lúc tôi gặp, ông đã bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện đã trả về để… chờ chết. Thế nhưng, đêm đêm ông vẫn lần ra trạm gác của dân phòng ngồi ghi sổ tạm trú tạm vắng hoặc chống gậy đến nhà nọ nhà kia khi có chuyện…
Nếu nói rằng: tôi muốn có một xã hội mà ở đó mọi người quý trọng nhau như anh em, làm việc hăng say, không tính toán và thù ghét, sẽ có người cười và bảo: “Đồ điên, bói đâu ra một xã hội như thế!”. Nhưng trong sâu thẳêm, hình như mỗi người đều có niềm tin như thế; đều trông vọng, say đắm và muốn dâng hiến cho một xã hội như thế. Nếu không, làm sao có những con người như tôi đã gặp…
MAI HƯƠNG