Về vụ lừa đảo 165 tỷ đồng của Nguyễn Đức Chi, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc:

Tôi đã làm đúng luật

Tôi đã làm đúng luật

Ngày 26 và 27-6, báo SGGP đã có bài về vụ lừa đảo 165 tỷ đồng của Nguyễn Đức Chi, trong đó đã đề cập một số việc làm khó hiểu liên quan đến trách nhiệm của Bộ KH-ĐT. Chiều qua 27-6, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn với PV báo SGGP quanh vấn đề này.9

  • Không thể kiểm tra được tài chính của nhà đầu tư

- Ngay từ đầu thực hiện dự án Rusalka, Chi không có vốn pháp định, tại sao vẫn được Bộ KH-ĐT cấp phép, thưa Bộ trưởng?

- Theo luật đầu tư mới, người ta có quyền huy động vốn vay để thực hiện. Miễn là nhà đầu tư có năng lực về khả năng quản lý.

Tôi đã làm đúng luật ảnh 1

- Một dự án lớn như thế, thông thường phải kiểm tra năng lực tài chính mới cấp phép...

- Chúng tôi chỉ kiểm tra được có công ty đó hay không. Thực tế khi kiểm tra ở Mátxcơva, đều có 3 công ty mà Chi đã kê khai. Như vậy đã kiểm tra có hay không có 3 công ty này. Năng lực tài chính thì không thể kiểm tra được. Họ có tài khoản ở nước ngoài thì kiểm tra làm sao? Công ty này lại ở bên Nga...

- Điều băn khoăn ở đây là hình thức lừa đảo thông qua thực hiện các dự án. Một dự án được cấp phép, chưa thực hiện xong đã đi thế chấp, liên doanh để lừa đảo, gây thiệt hại rất lớn.

- Đáng nhẽ ra các cơ quan phải cảnh giác. Khi họ thế chấp, phải hỏi cơ quan chủ đầu tư có được phép lấy dự án ra thế chấp hay không. Phải chứng minh được đã đầu tư bao nhiêu vào dự án. Chỉ khi kiểm tra là có số tiền đã đầu tư vào dự án thì mới thế chấp được. Sơ suất của các đơn vị nhà nước là chưa nắm vững luật pháp về thế chấp.

- Nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn hiện nay chậm được cấp phép là do chưa chứng minh được năng lực tài chính. Vậy sao 3 công ty đó không có đồng vốn nào vẫn được cấp phép?

- Sau này mới phát hiện không có năng lực tài chính. Lúc cấp phép, họ đã cũng có chứng minh về vốn. Trách nhiệm của chúng tôi là ban đầu, chúng tôi chưa có điều kiện xem xét chủ đầu tư, thứ hai là chưa đưa ra điều kiện ràng buộc khiến dự án triển khai đã 5 năm mà chưa hoàn thành và chưa thể rút giấy phép đầu tư của Chi. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Từ năm 2003, những nhà đầu tư nghi ngờ, chưa rõ nguồn gốc và khả năng tài chính thì đưa điều kiện rút giấy phép ra để ràng buộc.

  • Cho chuyển nhượng vốn để giúp tỉnh nghèo Trà Vinh

- Theo điều 7 của giấy phép đầu tư cho dự án Rusalka, Bộ KH-ĐT không cho phép chuyển nhượng vốn khi chưa hoàn thành dự án. Vậy sao bộ vẫn đề nghị cho chuyển nhượng?

- Giấy phép đầu tư là bộ trưởng ký. Tôi có quyền thay đổi. Tôi đề nghị Thủ tướng thì càng đúng luật.

- Luật cho phép chuyển nhượng mà trong giấy phép bộ không cho chuyển nhượng là sai, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

- Tôi không cho họ chuyển nhượng, nếu muốn chuyển nhượng thì phải xin phép tôi. Tôi đã đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển nhượng. Thủ tướng có quyền phủ quyết quyết định của tôi.

- Nhưng, ngày 22-4-2005, Bộ trưởng đã biết Chi lừa đảo. Phó Thủ tướng yêu cầu không cho chuyển nhượng, sao Bộ trưởng vẫn đề nghị cho chuyển nhượng?

- Lúc đó tôi đã biết là sẽ truy tố Chi. Nhưng, để bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư và bảo đảm dự án không bị đổ bể, bảo đảm việc thanh toán cho nhà thầu nên tôi đã đề nghị cho chuyển nhượng. Tỉnh Trà Vinh cũng đã có đề nghị cho chuyển nhượng vốn của dự án. Tôi làm việc này là để giúp Trà Vinh và cho các nhà thầu. Vì Chi còn nợ của các nhà thầu 2,6 trriệu USD. Trà Vinh là tỉnh nghèo, mất 2,4 triệu USD là quá lớn.

- Bộ đã biết là Chi không có vốn, lần thứ nhất lại đề nghị cho chuyển nhượng 60% vốn cho một nhà đầu tư trong nước. Như vậy, doanh nghiệp cũng mất vốn...

- Không. Lần thứ hai là chuyển cho Công ty Bạch Lân, Hoa Kỳ. Trong đề nghị chuyển vốn này, tôi đã kiến nghị Thủ tướng cho chuyển nhượng theo phương án 2, với điều kiện: năng lực của bên chuyển nhượng cần được kiểm tra và các điều kiện ràng buộc. Khi chuyển nhượng, Bộ Tài chính sẽ quản lý phần vốn của ông Chi để khi ông Chi bị truy tố thì tài sản này sẽ do toà án xử lý theo luật. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các công ty nhà nước thu hồi được một phần nợ.
Dự án thay đổi từng thời kỳ, có giá của nó. Nhiều nhà đầu tư cũng đã chuyển dự án khi chưa hoàn thành để ăn lãi. Đó là thực tế mà mình phải chấp nhận. Lợi này là lợi do chiếm dụng vốn của người khác.

- Theo giấy phép, vốn pháp định của Chi chỉ có 4,5 triệu USD nhưng trong văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Chi đã tự ý nâng khống lên 10 triệu USD. Bộ KH-ĐT biết vậy mà vẫn chấp thuận cho chuyển nhượng?

- Chi buôn dự án. Khi Chi tự ý nâng vốn pháp định lên, Chi không báo cáo Bộ KH-ĐT. Nhưng vì sau này người ta đồng ý mua 65% vốn của công ty với giá 5,25 triệu USD nên bộ đồng ý. Cái đó là thỏa thuận giữa người mua và người bán. Trước đây, Cơ quan điều tra cũng đồng ý cho chuyển nhượng 65% vốn pháp định.

- Đây là vốn pháp định?

- Vốn pháp định ở đó như vốn cổ phần

- Bộ trưởng đã biết Chi đã chuyển nhượng 60% vốn pháp định với giá 5,5 triệu USD cho Công ty Lâm Viên của Bộ Quốc phòng chưa?

- Biết rồi. Đó là hợp đồng chuyển nhượng không hợp pháp, vô hiệu. Nhưng chuyện này rất phức tạp.

- Có dư luận việc bộ ký đề nghị cho chuyển nhượng là do Chi nhờ tác động với Bộ KH-ĐT?

- Cần phải khẳng định là nhờ ai, quan hệ với ai? Phải chỉ rõ ra. Đến nay, tôi vẫn chưa biết Chi là ai. Ở đây là mua lại dự án. Chuyển nhượng có thể vượt giá ban đầu. Mình cho chuyển nhượng để thu hồi nợ. Đó là cách xử lý thông minh nhất.

- Đến thời điểm này, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề chuyển nhượng vốn đối với Chi như thế nào?

- Tôi vẫn đề nghị cho Chi chuyển nhượng vốn.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng. 

NAM QUỐC

Tin cùng chuyên mục