
Sau bộ phim truyện nhựa đầu tay “Sống trong sợ hãi” gặt hái không ít giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế và đem về giải Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2005, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuẩn bị bấm máy bộ phim về đồng tính nữ “Chơi vơi” (KB: Phan Đăng Di, Hãng Phim truyện I sản xuất) vào tháng 11-2007. Tuần san SGGP Thứ Bảy đã trò chuyện với anh.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tại ngôi nhà cổ ở 97 Mã Mây (Hà Nội), địa điểm dự kiến chọn làm bối cảnh cho phim.
- Đã có nhiều phim VN đụng chạm đến hiện tượng đồng tính nam nhưng đồng tính nữ vẫn là “lãnh địa trống”. Phải chăng, sau khi “Sống trong sợ hãi” ra rạp không mấy thành công, anh chuyển hướng sang làm phim thị trường?
Tôi khẳng định, “Chơi vơi” vẫn là phim nghệ thuật. Tôi không muốn làm những bộ phim chỉ chiếu một mùa rồi không ai xem lại nữa.
- Xông vào đề tài nhạy cảm, anh muốn thể hiện điều gì?
Câu chuyện phim xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa hai người bạn gái là Duyên và Cầm sau ngày Duyên lấy chồng. Duyên không hề biết Cầm thầm yêu mình. Cầm che giấu sự đau khổ và ghen tuông, rất khéo léo đẩy Duyên đến với một người đàn ông từng trải và đầy nhục cảm là Thổ... Bộ phim là cái nhìn sâu sắc về sự cô đơn của con người, những mong muốn và khao khát không bao giờ thỏa mãn. Đây là điều bí ẩn mà phim cố gắng lý giải.
- Những cảnh yêu đương đồng giới có trở thành thách thức cho diễn viên?
Tình cảm đồng giới trong phim chỉ xuất phát từ một phía nên càng đòi hỏi khả năng diễn xuất của diễn viên thủ vai Cầm. Tôi biết, rất khó tìm được diễn viên phù hợp với hai nhân vật nữ chính - loại nhân vật đòi hỏi thể hiện tích cách đa chiều. Diễn viên là yếu tố hàng đầu để nhà sản xuất có thể tìm kiếm được tiền từ các nhà đầu tư. Nhưng đó là chuyện ở các nước khác chứ không phải ở VN. Ở Hàn Quốc, diễn viên ngôi sao chiếm từ 50%-60% ngân sách của một bộ phim. Rồi đây, điện ảnh VN sẽ phải bước theo những nguyên tắc chung của điện ảnh thế giới, nếu muốn tồn tại.
- KB “Chơi vơi” khá nhiều thoại, trong khi điện ảnh ngày càng tinh giản những lời thoại?
Sẽ rất tốt nếu bộ phim không cần lời thoại mà vẫn hay. Khi không cần lời thoại, bộ phim sẽ có cơ hội được phổ biến rộng hơn vì nó có thể vượt quan rào cản về ngôn ngữ. Tuy nhiên, lời thoại phản ánh nội tâm của nhân vật và cũng phản ánh cái mà họ muốn che khuất. Lời thoại trong “Chơi vơi” có thể làm được những điều đó, vậy thì sao lại không cần thiết?
- Sau nhiều lần sửa chữa KB theo yêu cầu của hội đồng duyệt KB, anh có hài lòng với bản cuối này?
KB ban đầu có tên “Tận cùng là biển”, sau thành “Mắc kẹt”, rồi “Chơi vơi”, “Đi mãi rồi cũng quay về”... Sửa đi sửa lại giờ lại quay về bản gần như đầu tiên. Tôi sửa nhẹ một chút và nhìn thấy bộ phim rất rõ. Nó như hiện lên trước mắt...
- Xin cảm ơn anh và chúc bộ phim thành công!
Chi Mai (thực hiện)