An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty thuyền buồm Đông Dương:

“Tôi muốn căng cánh buồm du lịch Việt Nam”

“Tôi muốn căng cánh buồm du lịch Việt Nam”

Mỗi lần hạ thủy một chiếc du thuyền trong sự reo hò của thợ thuyền, An Sơn Lâm đều bật khóc vì sung sướng, giống như người mẹ khi thấy đứa con yêu quý đầu đời vừa lọt lòng. “Tôi yêu nghề hướng dẫn du lịch, say mê những chiếc thuyền và xem đây là sự chọn lựa của đời mình” - An Sơn Lâm - chủ nhân của 3 chiếc thuyền buồm cao cấp bộc bạch.

  • Hướng dẫn viên du lịch có tên trong Guide book của Đức
“Tôi muốn căng cánh buồm du lịch Việt Nam” ảnh 1

Khi dẫn khách về miền quê, anh cởi giày xuống cấy, gặt, tuốt lúa rất rành rẽ; không có người sóng đôi để tát nước, anh bắt tài xế xuống cùng biểu diễn cho khách xem. Nông dân thấy anh gần gũi nên rất quý, còn du khách thì khoái vô cùng. Giới du lịch đánh giá anh là một trong những hướng dẫn viên (HDV) thuộc hàng gạo cội và có đẳng cấp về nghiệp vụ, đặc biệt anh là một trong những HDV hiếm hoi giỏi tiếng Đức. Uy tín của anh dần lan truyền trong các đoàn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy anh đã có tên trong Guide book của Đức và trở thành HDV có thương hiệu cá nhân mang tính quốc tế.

Năm 1980, 18 tuổi, An Sơn Lâm qua Đức lao động và học tập. Năm 1988, anh về nước, rồi lại đem cả gia đình qua Đức một lần nữa với dự định ở lại luôn nhưng nỗi nhớ quê thôi thúc nên cả nhà anh lại cùng nhau quay trở về. Một thời gian dài sau khi về nước, do bỡ ngỡ với cuộc sống mới, anh chẳng biết làm gì. Trong một lần ngao du sơn thủy, tình cờ một du khách Đức gợi ý anh nên làm một điều gì đó cho du lịch Việt Nam, anh ngộ ra du lịch là một lĩnh vực hay. Năm 1996, anh vào Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn học ngành HDV, ra trường, làm HDV tại Công ty Indochina.

Mặc dù bây giờ đã làm giám đốc nhưng anh vẫn đi hướng dẫn. Nếu bất ngờ bước lên chiếc thuyền buồm của anh, người ta sẽ thấy anh lăng xăng phục vụ, chuyện trò rôm rả với khách, nhiệt tình còn hơn cả nhân viên. “Nghề du lịch là nghề phục vụ. HDV phải luôn có thái độ sẵn sàng phục vụ khách. Điều này đã ăn sâu vào máu thịt của tôi”, anh cười tươi. Trò chuyện với anh An Sơn Lâm, người đối diện thường bị cuốn hút theo những câu chuyện có chiều sâu, xen lẫn vài mẩu chuyện hóm hỉnh, bất ngờ. Cái duyên của người hướng dẫn luôn thường trực trong anh nhưng theo anh, làm HDV, ngoài cái duyên phải có cái tâm, có tình yêu quê hương thì mới thành công được.

  • Say mê những con thuyền

Trong các chuyến đi nước ngoài, anh An Sơn Lâm thấy thành phố nào có dòng sông chảy qua đều được khai thác du lịch triệt để. Còn sông Sài Gòn không có dịch vụ gì ngoài vài chiếc tàu nhà hàng chở khách dạo sông ăn uống trong đêm. Là một HDV nên anh có dịp thấy nhu cầu và nghe nhiều ý kiến từ du khách. Anh đã nhiều lần thuê những chiếc ghe xấu xí của dân chở khách về tận Phú Xuân, Nhà Bè, Cần Giờ… khiến khách khoái vô cùng. Từ đó, anh nảy ra ý định phải làm du thuyền. Anh kể: “Từ lúc nảy ra ý tưởng cho đến khi bắt tay thực hiện tôi suy nghĩ mất 3 năm. Nhiều người bạn của tôi mua xe 45 chỗ cho thuê chở khách nhưng tôi nghĩ xe là phương tiện giao thông bình thường còn du thuyền đặc biệt hơn nhiều”.

Nhưng du thuyền phải làm sao cho khác người, lạ, độc đáo? Anh chợt nhớ đến những chiếc thuyền buồm trên vịnh Hạ Long. Thật ra, cánh buồm cắm trên du thuyền cũng chỉ để trang trí nhưng khi nó được dương lên, chạy trên những dòng sông ở phương Nam (lâu nay không có thuyền buồm) mới lạ. Sản phẩm du lịch đôi khi chỉ cần lạ là đã thành công một phần. Anh tính toán: một tuần chỉ cần 2 đoàn khách, mỗi đoàn 20 người, mỗi người ăn uống khoảng 150.000 đồng, 1 tháng thu nhập khoảng 30 triệu đồng, trừ mọi chi phí đã có thể lời chút ít. Trường hợp xấu nhất thì 2 đoàn khách này sẽ là khách của anh, do anh làm HDV.

Sau khi tính toán, cân nhắc kỹ, anh quyết định “xin ý kiến” vợ nhưng bị vợ bác. “Tôi nói với vợ, anh không hút thuốc, không uống rượu, chỉ có một đam mê: làm chiếc thuyền buồm. Cuối cùng, vợ tôi hỏi tôi cần bao nhiêu tiền nhưng khi biết 300 triệu mới chỉ là tiền đặt cọc, còn hoàn thành một chiếc du thuyền tốn cả tỷ đồng, vợ tôi té ngửa song đành chấp nhận”, anh cười khoái chí. Anh lặn lội ra tận Hạ Long, ăn ở tìm hiểu thật kỹ, học luôn nghề lái tàu biển. Sau đó anh về Vinh đặt đóng thuyền.

Ngày 2-9-2006, chiếc thuyền buồm đầu tiên giương buồm trên sông Sài Gòn. Mọi người trầm trồ, ngỡ đó là tàu của nước ngoài. Một số hãng lữ hành muốn có dịch vụ mới trong tour, tự tìm đến, thấy “chơi được” rồi hợp tác. Cứ thế, “hữu xạ tự nhiên hương”, khách ngày càng đông. Rồi chiếc thuyền buồm thứ 2 ra đời. Mới đây là chiếc thuyền buồm thứ 3, gồm 2 tầng, dài 27m, cao 6m, chứa hơn 100 khách, trị giá 3 tỷ đồng đưa vào hoạt động. Tất cả thuyền buồm được đóng bằng gỗ nên đẹp, nội thất sang trọng, 2 thuyền lớn có bar, phòng VIP, toilet, bếp… Hiện nay, 3 chiếc này đều phục vụ khách giải trí, ăn uống trên sông Sài Gòn hằng ngày và còn đưa khách đi tuyến du lịch đường sông Sài Gòn – Vàm Sát (Cần Giờ).

  • Ước mơ chinh phục Đông Dương

Trên thân mỗi chiếc thuyền của anh An Sơn Lâm đều có dòng chữ bằng tiếng Anh: “Indochina Junk Co., Ltd” (Công ty Thuyền buồm Đông Dương). Giải thích vì sao không đặt một cái tên khác, anh Lâm giải thích: “Tôi có thể đặt một cái tên Việt nào đó nhưng về mặt không gian sẽ hạn hẹp khi mình đã hội nhập. Con tàu mang tên Indochina – Đông Dương sẽ có tính quốc tế và sự hòa nhập cao hơn”.

Cách lý giải ấy cho thấy An Sơn Lâm sẽ không dừng lại ở số lượng 3 chiếc thuyền buồm như hiện nay và cũng không chỉ quanh quẩn chạy trên sông Sài Gòn, về Vàm Sát – Cần Giờ mà sẽ tăng số lượng và mở rộng điểm đến. Anh An Sơn Lâm từng nói: “Tôi sẽ sở hữu một đội du thuyền chuẩn, có thương hiệu, sẽ đưa khách chinh phục cả Đông Dương”. Anh cho biết, trong vài năm tới sẽ có những chiếc thuyền buồm lội ngược dòng Mê Công, đưa du khách trong và ngoài nước đến khám phá nước bạn Campuchia, đến tận miền hạ Lào. Song song đó, sẽ có những chiếc du thuyền loại nhỏ với những dịch vụ hoàn hảo dành cho gia đình, nhóm bạn bè, đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật.

“Thú thật, nếu để làm giàu thì bây giờ tôi cũng đã có đầy đủ rồi, không cần làm nữa. Cái chính là tôi luôn khao khát tạo ra một loại hình du lịch độc đáo mang thương hiệu Việt Nam để giới thiệu với bạn bè thế giới, để tiếng cho con cái sau này”, An Sơn Lâm tâm sự. Chưa đầy một năm, 3 chiếc thuyền buồm hơn 5 tỷ đồng đã ra đời. Điều này minh chứng về một An Sơn Lâm đam mê, quyết tâm. 

NGUYỄN TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục