* Phải sơ tán 200.000 hộ dân * Sau bão có mưa lớn đến 600mm
(SGGP). – Chiều 26-10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương tiếp tục họp khẩn bàn biện pháp ứng phó với cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh).
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết khoảng tối nay (27-10), bão số 8 sẽ tiến sát khu vực bờ biển tỉnh Nghệ An. Thời điểm này, bão số 8 đạt cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12. Tuy nhiên, cũng theo ông Tăng, vẫn chưa thể xác định được địa điểm cụ thể bão đổ bộ. Đến chiều tối 26-10, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương vẫn đưa ra 2 phương án, có thể bão đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình vào đêm 27-10, hoặc có thể đổ bộ vào Nghệ An - Thanh Hóa vào sáng sớm 28-10.
Đáng lo ngại, sau khi bão số 8 đổ bộ sẽ có một đợt không khí lạnh tràn xuống, gây mưa lớn trên diện rộng từ Quảng Trị ra đến Bắc bộ. Đặc biệt, khu vực Thanh Hóa - Nghệ An được xác định mưa rất lớn, lượng mưa phổ biến từ 300 - 400mm, một số nơi có thể đến 500 - 600mm. Khu vực Bắc bộ mưa cũng có thể lên tới 200 - 300mm, mưa xảy ra trên diện rộng, cả khu vực trung du, miền núi và đồng bằng Bắc bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, trong 8 - 9 năm ông chỉ đạo PCLB, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh nhất và cũng là cơn bão mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào đất liền kể từ đầu năm đến nay. Vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Bởi vậy, các địa phương cần tổ chức sơ tán dân cư. Khu vực sông Mã, sông Cả, công La và sông Chu đề phòng lũ lớn có thể gây vỡ, sạt lở đê.
Chỉ đạo đối phó với cơn bão số 8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các tỉnh cần tính đến yếu tố mưa rất lớn sau bão. Mưa 100 - 200mm có thể làm đê điều sạt lở. Trong khi dự báo đợt này mưa có thể đến 300 - 400mm. Các tỉnh, thành phải rà soát, xác định những tuyến đê xung yếu để chuẩn bị vật tư tại chỗ đầy đủ. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh ven biển kiên quyết sơ tán người dân trên tàu, thuyền lồng bè lên bờ.
Ngày 26-10, chính quyền các địa phương và người dân miền Trung đã triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bão kết hợp với lũ. Từ sáng sớm ngày 26-10, người dân các khu vực ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã được bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích giúp chèn chống nhà cửa; tổ chức kéo tàu thuyền lên bờ tránh bão.
Theo thống kê sơ bộ từ Nghệ An đến Quảng Nam, có khoảng trên 200.000 hộ dân phải sơ tán nếu bão số 8 đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các địa phương đã thông báo và hướng dẫn 38.050 tàu/192.399 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 tàu/39 lao động của Quảng Ngãi đang hoạt động ở Hoàng Sa; 425 tàu/6.228 lao động ở khu vực quần đảo Trường Sa. Hiện bộ đội biên phòng các địa phương giữ liên lạc thường xuyên và hướng dẫn số tàu thuyền này tìm nơi trú ẩn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các địa phương ven biển, đầm phá sơ tán 11.501 hộ dân đến nơi an toàn trước 14 giờ ngày 27-10.
* Rạng sáng 26-10, Đồn biên phòng cửa khẩu Quy Nhơn (thuộc Bộ đội Biên phòng Bình Định) đã tiếp nhận, khám sức khỏe, phát thuốc và đồ dùng cá nhân cho 3 ngư dân Philippines bị nạn tại vùng biển Trường Sa. Theo anh Nguyễn Miền (38 tuổi, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, chủ tàu cá BĐ-95724TS), lúc 14 giờ ngày 20-10, trong lúc đang đánh bắt cá ngừ đại dương tại khu vực quần đảo Trường Sa đã cứu được 3 ngư dân trên khi họ bị trôi dạt trên biển và chăm sóc họ đến khi bàn giao cho cơ quan chức năng.
V.PHÚC - N.PHƯƠNG - N.HÙNG
| |